Thành phố Hồ Chí Minh: Giữ bản sắc cho bảo tàng mỹ thuật

Cập nhật: 24/09/2024
Công tác sưu tầm hiện vật là một hoạt động quan trọng trong phát triển bảo tàng. Đối với các bảo tàng mỹ thuật, hoạt động sưu tầm hiện vật còn góp phần tạo nên bản sắc riêng cho từng đơn vị. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cơ quan chức năng có những giải pháp thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển ngày nay.

Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động sưu tầm hiện vật gắn liền với sự hình thành và phát triển của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố gần 40 năm qua. Từ năm 2005 đến nay, việc sưu tầm bằng nguồn ngân sách hằng năm tại thành phố được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung hiện vật mới thường xuyên.

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố liên tục tiếp nhận các bộ sưu tập hiện vật hiến tặng từ nước ngoài là tác phẩm mỹ thuật hiện đại của những họa sĩ nổi tiếng như Lê Thị Lựu, Lê Bá Đảng, Nguyễn Văn Minh… đã góp phần tạo nên uy tín, bản sắc riêng cho bảo tàng. Cơ sở hạ tầng, vật chất của bảo tàng ngày càng được đầu tư hơn, thuận lợi cho việc thiết lập hệ thống hồ sơ các tác giả, tác phẩm, từng bước tạo dựng một thư viện mỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin.

Xác định công tác sưu tầm hiện vật đóng vai trò quan trọng, là điều kiện, nền tảng quyết định cho sự ra đời, tồn tại, phát triển của một bảo tàng, vì thế mọi hoạt động khác của bảo tàng như nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông… đều phải dựa trên cơ sở sưu tập hiện vật.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh xã hội đang trong tiến trình chuyển đổi số, trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng cũng ngày một nâng cao. Công chúng không còn thụ động hưởng thụ văn hóa theo kiểu giản đơn, họ lựa chọn bảo tàng để đến, lựa chọn chuyên đề triển lãm, trưng bày hấp dẫn để xem.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, trong quá trình hoạt động của một bảo tàng chuyên ngành về mỹ thuật, nhiều vấn đề mang tính pháp lý đối với hiện vật thuộc mỹ thuật hiện đại cần được giải quyết phù hợp. Việc xác định các khái niệm, thuật ngữ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các thông tư, nghị định còn chưa rõ ràng như với hiện vật mỹ thuật cổ. Những người làm công tác sưu tầm vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng tiêu chí cụ thể đối với các hiện vật dự định sưu tầm do xu hướng, trào lưu, phong cách mỹ thuật liên tục biến đổi. Sự cạnh tranh giữa các bảo tàng ngoài công lập và việc thẩm định hiện vật sưu tầm còn hạn chế hay cơ sở vật chất dù có cải thiện nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn của một bảo tàng hiện đại chuyên về mỹ thuật; công tác số hóa hiện vật còn gặp trở ngại… cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sưu tầm hiện vật nói riêng, phát triển bảo tàng mỹ thuật nói chung.

Theo các chuyên gia, Nhà nước cần hoàn thiện văn bản pháp lý về những vấn đề đặc thù đối với loại hình hiện vật là tác phẩm mỹ thuật hiện đại trong bối cảnh xã hội hiện nay. Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược sưu tầm, xây dựng kế hoạch sưu tầm theo phân kỳ, ưu tiên giải quyết trường hợp đột xuất khi phát hiện hiện vật có giá trị, thực hiện đúng các bước sưu tầm để bảo đảm tính khoa học. Thành phố cần đào tạo, xây dựng đội ngũ sưu tầm có trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sâu; nhanh chóng đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ hiện vật…

Có thể nói, để nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng mỹ thuật, các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng cần được tiếp tục nghiên cứu, thực hiện đồng bộ, nhất là hoạt động sưu tầm hiện vật, để hiện vật khi được sưu tầm vừa đa dạng, có giá trị về nội dung và nghệ thuật lại vừa mang tính đặc trưng, tiêu biểu, không trùng lắp, từng bước tạo bản sắc cho mỗi bảo tàng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

Bài và ảnh: Linh Nguyễn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 23/09/2024