Vài năm gần đây, sắc màu du lịch Bạc Liêu ngày càng phong phú nhờ sự phát triển của du lịch cộng đồng và giúp du khách có điều kiện tiếp cận, khám phá sâu những giá trị văn hóa, nét sinh hoạt của người dân địa phương. Dẫu vậy, việc đầu tư cho loại hình này vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến sự đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp nên rất cần sự cộng lực nhiều hơn từ phía các cấp, các ngành.
Du khách trải nghiệm bắt sò huyết tại Nông trại Tôm Khỏe.
Kết nối du khách với văn hóa bản địa
Với sự tham gia tích cực của người dân, nhiều điểm tham quan du lịch cộng đồng được hình thành giúp không gian du lịch được mở rộng về những địa bàn nông thôn, thay vì tập trung nhiều ở TP. Bạc Liêu như trước đây. Vườn Nhà Tôm, khu du lịch sinh thái Hương Rừng, khu du lịch sinh thái biển Hợp tác xã Đồng Tiến (huyện Hòa Bình), Vườn nho Phương Thùy, Cánh đồng hoa Huỳnh (huyện Vĩnh Lợi) hay Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải)… là những điểm đến lý tưởng để du khách khám phá nét độc đáo của thiên nhiên, văn hóa, lối sống của người dân bản địa.
Anh Nguyễn Thanh Tân - một người Bạc Liêu sống tại Mỹ, bày tỏ: “Tranh thủ mấy ngày lễ Quốc khánh vừa rồi, tôi được người thân đưa đi tham quan tour du lịch ven biển của TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Tôi khá ấn tượng với các hoạt động trải nghiệm đậm chất sông nước miền Tây tại điểm du lịch Vườn Nhà Tôm. Các hoạt động như: Chèo xuồng, bắt ốc, hái rau, chế biến và thưởng thức hải sản trên bè gỗ gợi lại trong tôi nhiều ký ức đẹp. Hiện nay, loại hình du lịch này rất được khách nước ngoài ưa chuộng vì khách vừa được hòa mình vào thiên nhiên, vừa được “vào vai” người dân địa phương để hiểu hơn về văn hóa, cuộc sống đời thường của họ”.
Tại khu vực Giồng Nhãn thuộc xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), hoạt động du lịch khám phá văn hóa, thiên nhiên và nét sinh hoạt của người dân đang tiếp tục được khai thác. Trên cung đường này, du khách được trải nghiệm cách người dân thu hoạch nhãn, chế biến rượu nhãn, chiên bánh xèo và nghe kể những câu chuyện về nhãn cổ. Còn tại chùa Xiêm Cán, Ban trị sự chùa đang phát triển hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vận động người dân mở gian hàng bánh dân gian để kết nối du khách đến gần hơn với văn hóa Khmer.
Du khách cùng người dân xã Hiệp Thành thu hoạch nhãn. Ảnh: H.T
“Cú hích” cho du lịch cộng đồng
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế và những điểm nghẽn trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay, tỉnh đã có nhiều chủ trương để cộng lực thúc đẩy sự phát triển cho loại hình này. Điển hình là ban hành Đề án Phát triển thanh nhãn Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Bạc Liêu, Kế hoạch 135 thực hiện Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 09 về phát triển vùng Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch năm 2024… Đây được xem là những “cú hích” giúp nâng tầm sản phẩm du lịch cộng đồng.
Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL, cho biết: “Tỉnh đang tìm nguồn lực để khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn nhằm đánh thức tiềm năng và lợi thế của du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Theo định hướng phát triển, tỉnh sẽ hình thành các không gian du lịch tại vườn nhãn, chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu), các làng nghề truyền thống, các tuyến du lịch đường sông, vườn chim để góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tăng cường sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch”.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ là xu thế thời đại, mà còn là giải pháp hiệu quả để bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan môi trường và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng (người dân, du khách) trong việc tôn trọng, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Chính vì thế, Bạc Liêu đã và đang quyết tâm khai thác mạnh mẽ loại hình du lịch này.
Hữu Thọ