Trên cao nguyên đá Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, hòa cùng âm thanh của núi rừng, của không khí lao động sản xuất, tiếng khèn Mông luôn vang vọng khắp núi rừng. Dù cuộc sống còn không ít khó khăn, nhưng đồng bào Mông nơi đây luôn chú ý giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có điệu khèn truyền thống.
Đội khèn của nghệ nhân ưu tú Sình A Tâu, ở bản Thôn 4, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) được thành lập từ hơn 10 năm nay. Ngoài việc luyện tập, biểu diễn khèn thường xuyên, đội khèn Sính Phình còn chú trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân ưu tú Sình A Tâu cho biết: "Ở thôn này, 100% không ai bỏ khèn, bởi nó rất là quý với người Mông chúng tôi. Năm 2019 chúng tôi dạy một lớp 10 người, năm 2018 cũng dạy một lớp 10 người".
Đội khèn xã Sính Phình ngoài việc luyện tập, biểu diễn, cũng luôn chú trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ
Còn với ông Sùng A Câu và nhiều người đàn ông dân tộc Mông ở thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình, niềm vui của họ trong những ngày nông nhàn là được cùng nhau ngồi chế tác khèn. Dưới sự chỉ dẫn của ông Câu, mỗi người sẽ làm một công đoạn, sau đó ghép lại trở thành một chiếc khèn. Vừa chế tác, họ vừa cùng nhau thổi thử khèn. Đó là niềm vui, càng dấy lên niềm tự hào về loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Ông Sùng A Câu nói: "Tôi biết làm thì tôi dạy cho anh em biết nữa. Tôi sẵn sàng dạy cho anh em trong bản dể biết làm. Sau này mình già, mình mắt yếu rồi thì mình phải dạy cho anh em".
Cây khèn được coi như bảo vật mang giá trị tâm linh của đồng bào Mông
Các nghệ nhân chế tác khèn Mông
Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2022, nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Địa phương hiện đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hoá đặc sắc này.
Ông Vừ A Hùng nói: "UBND huyện cũng đã tổ chức hội thi để cho các nghệ nhân có sân chơi và giao lưu. Đấy là một sân chơi rất là bổ ích, để các nghệ nhân được giao lưu. Trong tuần Văn hoá – Du lịch tổ chức vào tháng 10 tới đây, huyện sẽ tiếp tục tổ chức hội thi để tiếp tục phát huy giá trị văn hoá và giới thiệu đến du khách biết đến di sản văn hoá phi vật thể này. Và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ. Vì đây là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mông Tủa Chùa".
Năm 2022, nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Cây khèn từ lâu vẫn được coi như bảo vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần, là người bạn tâm tình của người Mông Tủa Chùa và các địa phương Tây Bắc. Chính vì lẽ đó, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người Mông nơi đây vẫn luôn gìn giữ, phát huy, để tiếng khèn luôn ngân vang và có cơ hội sinh tồn mãi mãi.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc