Từ lâu, người dân Vĩnh Long tự hào với danh xưng “Vương quốc gốm đỏ” với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, địa phương này đang triển khai xây dựng làng nghề truyền thống gốm đỏ thành sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2007, số lò gạch, gốm chủ yếu tập trung tại huyện Mang Thít và huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Thời hoàng kim, ngành gạch gốm có gần 3.000 miệng lò hoạt động xuyên suốt quanh năm. Hàng nghìn sản phẩm gạch, gốm với mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công đã được khách hàng ưa chuộng.
Đặc biệt, trong những năm qua, sản phẩm gốm đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), HongKong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…. Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, có lúc giá trị ngành gạch gốm chiếm gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, qua đó cho thấy nghề sản xuất gạch ngói là một trong những thế mạnh của tỉnh.
Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở đi, ngành gạch gốm bắt đầu có xu hướng chậm lại do chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, các cơ sở lò gạch bắt đầu có dấu hiệu thua lỗ nên không còn hoạt động với sản lượng lớn như trước đây. Một trong những tồn tại lớn của các cơ sở sản xuất gạch, gốm tại tỉnh là tình trạng khói, bụi do hầu hết các cơ sở sản xuất gạch, gốm của tỉnh vẫn sản xuất bằng công nghệ lò tròn truyền thống nên gây ô nhiễm môi trường và thời gian nung mỗi chu kỳ kéo dài làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh so với các lò cải tiến. Cũng từ đây, nhiều cơ sở không đủ năng lực để thay đổi công nghệ và quy trình dần từ bỏ nghề, chỉ còn một số bám trụ với nghề.
Tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho ngành gốm tại địa phương. Ảnh: MT.
Trước những khó khăn của ngành sản xuất gạch gốm, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vực dậy hoạt động của làng nghề. Theo đó, năm 2013, tỉnh ban hành đề án ''Tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long'', năm 2016 tỉnh ban hành đề án ''Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2016 - 2020'' và giai đoạn 2021 - 2025.
Các đề án được triển khai với nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung; hỗ trợ chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn Vĩnh Long trong sản xuất gạch gốm, hỗ trợ các cơ sở gạch gốm chuyển đổi ngành nghề khác, hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Hiện tại, toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạch gốm trên thị trường, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Di sản đương đại Mang Thít". Đây là bước đi mới của tỉnh nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống vừa kết hợp với phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch gốm hiện có, làm điểm nhấn mang tính đột phá, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Mục tiêu của Đề án là Quy định chính sách hỗ trợ bảo tồn lò gạch, gốm theo phạm vi điều chỉnh của Đề án di sản đương đại Mang Thít là chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ một phần chi phí bảo tồn lò gạch, gốm để đưa ra một mô hình phát triển kinh tế - xã hội sáng tạo, bền vững và nhân văn, dựa trên việc khám phá, thiết kế, khai thác các mô hình sáng kiến về chuyển đổi công năng, quy hoạch không gian cũng như tính khả thi về các chương trình hoạt động đầu tư mang lại sức sống mới để di sản Mang Thít thực sự hội đủ các yếu tố hình - lý - khí để trở thành một điểm đến và điểm dừng mang tầm cỡ quốc tế.
Thực hiện chính sách hỗ trợ để các lò gạch, gốm được bảo tồn và phát triển “vương quốc gạch, gốm” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm trên bản đồ du lịch khu vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
Toàn bộ vùng di sản khoảng 3.600ha thuộc 04 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000ha thuộc 02 xã: An Phước và Chánh An làm cơ sở xác định phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tổ chức quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm gạch gốm qua 3 chuỗi sự kiện Festival Nông sản Việt Nam Vĩnh Long năm 2023, Ngày hội du lịch Vĩnh Long 2023 và Con đường gốm và hoa Xuân Giáp Thìn năm 2024. Con đường gốm đỏ Vĩnh Long lần đầu tiên xuất hiện đã khiến nhiều người trầm trồ. Nét đẹp cổ kính cùng gam màu rực rỡ gốm đỏ đã gợi lên ký ức về làng nghề gạch gốm trong miền nhớ mỗi người.
Hiện nay, địa phương này đang triển khai xây dựng làng nghề truyền thống gốm đỏ thành sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Để phát huy thế mạnh sản phẩm gốm đỏ mang nét đặc trưng riêng, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, đề án hỗ trợ đối với cơ sở, doanh nghiệp ngành gốm. Theo đó, tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp gốm nghiên cứu cải tiến công nghệ nung gốm đảm bảo an toàn về môi trường và tiết kiệm nhiên liệu trấu nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xuất khẩu trực tiếp sản phẩm gốm đỏ thay vì qua trung gian như trước đây, tăng cường ứng dụng, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và nước ngoài.
Tháng 8/2024, Sở Công Thương Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-SCT thực hiện Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long năm 2024. Sở Công Thương Vĩnh Long cho biết, thực hiện Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 năm 2024, Sở Công Thương đã triển khai đề án đến Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, Phòng Kinh tế thành phố Vĩnh Long, Phòng Kinh tế và Hạ tầng Long Hồ và Mang Thít, các doanh nghiệp sản xuất gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long để nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp. Sở Công Thương đã tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trong năm 2024.
Mục đích là thực hiện Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 cho năm 2024 nhằm tiếp tục duy trì và phát triển ngành sản xuất gốm góp phần bảo tồn các làng nghề gốm, đồng thời thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Triển khai các chính sách hỗ trợ của Đề án nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế, giúp doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Kinh phí thực hiện Đề án trong năm 2024 là 1.456.035.000 đồng, trong đó kinh phí Đề án hỗ trợ 727.835.000 đồng, kinh phí đối ứng của cơ sở, doanh nghiệp 728.200.000 đồng, nguồn kinh phí thực hiện Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 năm 2024. Nguồn tiền này hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới (thuê tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm gốm); Tổ chức tập huấn về nâng cao kỹ năng, năng lực quản lý, chuyên môn; tập huấn phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kiến thức về công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm, Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long…/.
Thùy Minh