Ngày 30/9, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Nền văn hóa Óc Eo - những cung bậc lịch sử và định hình ngày truyền thống văn hóa Óc Eo Nam Bộ”.
Quang cảnh hội thảo.
Đến dự hội thảo có các nhà khoa học, các viện trường, các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo tập trung thảo luận bổ sung, làm rõ thêm tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di tích Khảo cổ Óc Eo - Ba Thê; về các giải pháp để biến di tích, di vật văn hóa Óc Eo thành những sản phẩm du lịch, nhằm thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh An Giang trong thời gian tới.
Và cho đến nay, đã 80 năm kể từ khai quật khảo cổ đầu tiên Óc Eo (năm 1944) nhưng đến nay chưa có ngày truyền thống, An Giang mong Cục Di sản văn hóa, các vị đại biểu quan tâm, đề xuất, hiến kế lựa được chọn ngày truyền thống cho Óc Eo Nam Bộ và tỉnh An Giang phù hợp nhất.
Để trên cơ sở đó, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ngày truyền thống văn hóa Óc Eo Nam Bộ và ngày truyền thống văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang.
Trên cơ sở đó, tỉnh An Giang sẽ tiếp thu, bổ sung vào định hướng của việc lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý di tích, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, năm 1944, học giả người Pháp Louis Malleret đã đến Ba Thê để chủ trương phát quật một di tích khảo cổ trên cánh đồng hướng Đông núi Ba Thê (từ ngày 10/2 đến ngày 19/4/1944).
Vị trí đó ngày nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. Với kết quả quan trọng của cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên này, ông đã đặt tên cho gò đất đã khai quật là Gò Óc Eo, từ đó lan truyền ra khắp Nam Bộ - Việt Nam và thế giới, về một nền văn hóa Óc Eo cổ đại, thuộc Vương quốc Phù Nam, đã từng tồn tại và biến mất ở Đông Nam Á từ thế kỷ thứ nhất, đến thế kỷ thứ 7, sau Công nguyên.
Trải qua 80 năm, văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ Việt Nam đã không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế.
Từ đó đến nay, Văn hóa Óc Eo An Giang cùng với Nam Bộ và cả nước đã tăng cường nhiều hoạt động, mà tiêu biểu là bảo tồn - phát huy giá trị di tích, mang lại những kết quả quan trọng.
Đến nay, hồ sơ di sản văn hóa thế giới đối với Khu Di tích Khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thành các hồ sơ thủ tục, để sẵn sàng tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý Khu Di tích Khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thanh Dũng