Từ những cọng rơm rạ bỏ đi sau mỗi mùa gặt, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã có sáng kiến độc đáo chế tạo thành những con vật như trâu, ngựa… trong dân gian gây ấn tượng và thu hút số đông giới trẻ xứ Đoài tham gia.
Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) níu chân du khách với nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với các danh nhân, anh hùng dân tộc. Ngôi làng nổi tiếng với những ngôi nhà cổ được làm bằng đá ong độc đáo. Những năm gần đây, du lịch làng cổ Đường Lâm khởi sắc. Một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tại đây là không gian làm đồ chơi của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983). Bằng nguyên liệu là những cọng rơm rạ, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát đã có sáng kiến độc đáo chế tạo thành những con vật như trâu, ngựa… trong dân gian gây ấn tượng và thu hút số đông giới trẻ xứ Đoài tham gia.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, sáng kiến này không chỉ giúp bảo tồn văn hoá dân gian mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, biến nó trở thành một trò chơi dân gian cho trẻ em, đồng thời là cầu nối thu hút du khách quốc tế tới tham quan khu du lịch làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Nói về ý tưởng và nguyên liệu tạo nên sản phẩm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, nguyên liệu rơm rạ được người nông dân thu về sau gặt hái thường để dùng hoặc bỏ đi, tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên nên anh Phát đã thu mua lại, phơi khô, làm sạch và chọn ra những cọng rơm đẹp chắc khoẻ nhất để dùng. Các cọng rơm được phân chia thành các bộ phận như sừng trâu, đầu, bờm ngựa, chân và thân đuôi sau đó được tết bện với nhau một cách có tính toán để đạt yếu tố thẩm mĩ cao. "Những sản phẩm này không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ em trong làng mà còn góp phần nâng cao giá trị du lịch địa phương", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.
Theo nghệ nhân sơn mài, các đoàn du lịch khi đến làng cổ Đường Lâm thường rất thích trải nghiệm các sản phẩm dân gian truyền thống, đặc biệt là những sản phẩm dân gian có tính mới lạ. Từ thực tế trên cho thấy rơm rạ có thể trở thành tài nguyên quý hiếm, đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, thay vì chỉ là phế phẩm. "Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng cho ra một số sản phẩm sáng tạo mới được làm từ rơm như thế này. Qua đó cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập từ nguyên liệu bỏ đi, đồng thời phát huy được hết giá trị dân gian đặc trưng từ làng quê Việt Nam", nghệ nhân Tấn Phát nói thêm.
Các cọng rơm được phân chia thành các bộ phận như sừng trâu, đầu, bờm ngựa...
Với ý tưởng này, người nông dân cũng có thêm thu nhập, góp phần làm đa dạng hoạt động du lịch ở địa phương, quảng bá những hình đẹp ảnh của làng quê Việt Nam. Ngày cuối tuần tại không gian sáng tạo nghệ thuật của nghệ nhân xứ Đoài. Không gian này có lợi thế sân vườn rộng và công trình kiến trúc nhà cổ, thu hút du khách nhiều lứa tuổi.
Ngoài hoạt động làm đồ chơi cho trẻ em, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn mở lớp trải nghiệm nghệ thuật sơn mài miễn phí. Dịp hè năm 2023, anh đón khoảng 5.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Để khai thác tốt hơn giá trị làng cổ, tăng sức hấp dẫn cho di sản, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã phối hợp với các cá nhân, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động du lịch sáng tạo.