Đề án xây dựng Hội An (Quảng Nam) - thành phố sáng tạo giai đoạn 2024 - 2027, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND thành phố Hội An (khóa XII) thông qua với kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian sau khi Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Hướng tới mục tiêu gia nhập tích cực vào hệ thống công nghiệp văn hóa toàn cầu.
Theo ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An, quan điểm nhất quán của đề án xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo trên nền tảng kế thừa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH), đồng thời phải tạo ra những giá trị mới cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng đa chiều.
Coi sáng tạo là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố, có sự tham gia tích cực của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, gắn các hoạt động sáng tạo với sự phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn,…
"Cú hích" gia nhập hệ thống công nghiệp văn hóa toàn cầu
Mục tiêu đề án đặt ra gia nhập tích cực vào hệ thống công nghiệp văn hóa toàn cầu, xác lập vị thế, bồi đắp thương hiệu “Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu”,…
Phát triển các hoạt động nghề thủ công và nghệ thuật dân gian có tính chuyên nghiệp cao, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển dịch vụ và mở rộng thị trường; biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sáng tạo văn hóa gắn với du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng, giá trị tăng cao.
Xưởng Tái sinh của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân tại Hội An - không gian nghệ thuật sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ phế liệu
Mục tiêu cụ thể đến năm 2027, Hội An sẽ hoàn thành các sáng kiến cấp địa phương, cấp quốc tế và các nội dung đã cam kết khi gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo đó, giá trị sản xuất ngành văn hóa sáng tạo trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian gắn kết với hoạt động du lịch tăng bình quân 5%/năm, đến năm 2030 tăng bình quân 10%.
Đến năm 2027, Hội An sẽ hoàn thiện ít nhất 4 không gian sáng tạo tại các làng nghề đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thành lập 13 câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại các xã, phường cũng như thành lập câu lạc bộ sáng tạo trên từng lĩnh vực, ngành nghề, loại hình hoạt động.
Các dự án cấp thành phố đã được xác định, bao gồm: “Mộc Kim Bồng - khơi nguồn sáng tạo”, dự án “Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ”, dự án “Sáng tạo Hội An qua môi trường công nghệ số”. Các dự án cấp quốc tế để cụ thể hóa cam kết gồm: Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Hội An, lễ hội đèn lồng quốc tế, ngôi nhà sáng tạo Hội An.
Du khách trải nghiệm nghề truyền thống tại cơ sở thủ công mỹ nghệ tre Taboo Bamboo
Phấn đấu sẽ có 3 nghề truyền thống/làng nghề truyền thống, loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được công nhận cấp tỉnh và quốc gia; 3 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ nhân được công nhận thợ giỏi và có ít nhất 2 nghệ sĩ ưu tú trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian.
Phát triển nguồn nhân lực sáng tạo
Bên cạnh nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và các nhóm nhiệm vụ cụ thể, thành phố cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực, xem đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để Hội An hướng đến thành phố sáng tạo, tạo điều kiện và môi trường để văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế cho đổi mới sáng tạo….
Trình diễn hát bội trên phố cổ Hội An
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 200 nghệ nhân, thợ thủ công giỏi, biên kịch, biên đạo, nhạc công, thiết kế, kỹ thuật âm thanh ánh sáng... Đây chính là lực lượng nòng cốt, nguồn lực quan trọng để Hội An hướng đến thành phố sáng tạo.
Bên cạnh đó, hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh, 3.013 lao động trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian và 700 diễn viên, nhạc công với thu nhập bình quân từ 250 - 350 USD/lao động/tháng.
Vở múa đương đại Rơm lần đầu tiên ra mắt trên cánh đồng lúa ở Hội An
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, tới đây thành phố sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đề án cũng như các ngành lĩnh vực tại địa phương, xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ ươm mầm tài năng...
Ngoài ra, cũng sẽ nghiên cứu xây dựng các quy định, quy chế, chương trình hoạt động thường xuyên, định kỳ như các hình thức trại sáng tác, liên hoan, hội thi, hội diễn, hỗ trợ, vinh danh…
Đây là những nội dung có tác dụng thiết thực khuyến khích phát huy tài năng sáng tạo, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ giỏi, nhà nghiên cứu, doanh nhân… trong việc sưu tầm, truyền dạy, bảo tồn các nghề thủ công, các loại hình văn nghệ dân gian và phát triển năng khiếu, tài năng trẻ trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền nghề, xây dựng vườn ươm nghệ thuật, điểm đến sáng tác, thiết kế, triển lãm….
Hiện nay, thành phố ban hành cơ chế khuyến khích các hoạt động sáng tạo. Để nâng tầm phát huy, sáng tạo văn hóa địa phương trong điều kiện mới, bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ nếp sống của cư dân bản địa, rất cần có cơ chế ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để hướng đến mục tiêu trở thành đô thị di sản, việc tập trung xây dựng một Hội An “bảo tàng sống” ngay giữa môi trường văn hóa đương đại của cư dân bản địa là lối đi hứa hẹn nhiều thành công.
Khánh Chi