Nghệ An: Bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

Cập nhật: 08/10/2024
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Khu bảo tồn này đã được các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nằm trên địa bàn 9 xã thuộc huyện vùng biên Quế Phong (tỉnh Nghệ An), gồm xã Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn và Châu Thôn. Đây là Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học rất cao ở miền Tây xứ Nghệ với các loại động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. 

Đối với hệ thực vật, tại Khu bảo tồn đã xác định được 2.425 loài thực vật của 885 chi, 208 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao; trong đó, đã thống kê được 130 loài thực vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau. Về động vật, kết quả nghiên cứu đã xác định được 1.315 loài động vật của 221 họ, 56 bộ thuộc 6 lớp; trong đó, đã thống kê được 199 loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Các giá trị về đa dạng sinh học và các dữ liệu nghiên cứu về các loài động, thực vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt liên tục được cập nhật, bổ sung thông qua các chương trình, đề tài nghiên cứu. 

Cán bộ kiểm lâm tại Khu bảo tồn đặt bẫy ảnh kỹ thuật số ghi nhận sự tồn tại của nhiều loài động vật quý hiếm tại khu vực này. 

Mới đây, nhằm đánh giá các loài linh trưởng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cán bộ kiểm lâm đã đặt bẫy ảnh kỹ thuật số ghi nhận sự tồn tại của nhiều loài động vật quý hiếm. Việc ứng dụng bẫy ảnh trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học đã giúp ghi nhận và khẳng định sự có mặt của nhiều loài thú, trong đó có các loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN. Kết quả thu được từ bẫy ảnh còn giúp xác định được các mối đe dọa và nguy cơ tác động đến sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn một cách hiệu quả. 

Công nghệ bẫy ảnh đã ghi lại hình ảnh cá thể hoẵng tại Hón Túi, xã Đồng Văn, hay cá thể Khỉ mặt đỏ tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ. Cầy vòi mốc tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ và Chồn vàng ở Hón Túi, xã Đồng Văn hoặc hình ảnh Voọc xám được chụp ở TK6, xã Thông Thụ... Kết quả thu được từ bẫy ảnh còn giúp xác định được các mối đe dọa và nguy cơ tác động đến sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn một cách hiệu quả.

Đồng thời, bẫy ảnh còn cung cấp, khẳng định hiện trạng động vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Đây là tư liệu quý giúp quảng bá, tuyên truyền về những loài động vật quý hiếm, cần được bảo vệ và cấm săn bắt. Bên cạnh đó, bẫy ảnh cũng giúp hạn chế nạn săn bắn trái phép, khai thác rừng bất hợp pháp.

Mỗi năm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có khoảng 30 đến 40 lần cử cán bộ trực tiếp tới các thôn, bản giới thiệu cho nhân dân về những loài động vật quý hiếm đang có ở Khu bảo tồn Pù Hoạt cần được bảo vệ. Ngoài ra, khu bảo tồn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động cứu hộ và thả vào môi trường tự nhiên các loài thú hoang dã được cứu hộ thành công. 

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được đẩy mạnh triển khai tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh: BNA. 

Trong những năm gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã tập trung đổi mới công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng nâng cao tính xã hội hóa để giữ vững an ninh rừng. Tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thu hút cộng đồng dân cư, các tổ, đội bảo vệ rừng, các thôn vùng đệm tham gia bảo vệ rừng. 

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, trong giai đoạn năm 2013 - 2023, Khu bảo tồn đã giao khoán bảo vệ rừng cho 40.061 lượt hộ gia đình, tổ chức, với tổng diện tích bình quân mỗi năm là 73.983 ha từ các nguồn vốn khác nhau. Hàng tháng, các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng phối hợp với kiểm lâm viên các trạm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng; đồng thời, thường xuyên nắm bắt, cung cấp thông tin trong cộng đồng để các trạm kiểm lâm có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, kịp thời các hành vi xâm hại rừng, góp phần giữ vững an ninh rừng.  

Trong những năm qua lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn đã phối hợp với cộng đồng các thôn, bản nhận khoán và các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn tổ chức được 7.077 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc và truy quét các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Thông qua tin báo của nhân dân, đã phát hiện và xử lý 271 vụ vi phạm, trong đó, xử lý vi phạm hành chính 261 vụ vi phạm và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự 10 vụ vi phạm, tịch thu hơn 726m3 gỗ các loại cùng nhiều tang vật, phương tiện, dụng cụ vi phạm khác như xuồng ba lá, xe máy, cưa xăng, súng kíp…   

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã quan tâm, chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống thông tin, dữ liệu khoa học về đa dạng sinh học của khu hệ động, thực vật đã từng bước được hoàn thiện, bổ sung mới rất nhiều dữ liệu khoa học so với thời gian đầu mới thành lập, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của khu bảo tồn ra tầm khu vực.

Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học trong nước cũng như quốc tế như Viện Sinh thái và Thiên nhiên sinh vật, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm Môi trường và Phát triển của Hiệp hội Khoa học Nghệ An, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Dự án rừng và đồng bằng, Dự án Enrich… Qua đó, đã thực hiện được 13 đề tài nghiên cứu về động, thực vật rừng.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã thực hiện, đơn vị đã bước đầu nghiên cứu chuyên sâu theo hướng bảo tồn gắn với phát triển, trước mắt, tập trung nghiên cứu thử nghiệm gieo ươm, nhân giống và phát triển các loài quý hiếm và các loài có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu gieo ươm, nhân giống thành công nhiều loài như: Sa mu dầu, củ bình vôi vàng, cây mú từn, lá khôi tía, mắc khẻn… Các loài cây này sau khi được gieo ươm thành công đã được đưa ra trồng thử nghiệm ở thực địa.

Ngoài ra, Khu bảo tồn chú trọng hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác trồng rừng, từng bước đưa công tác xã hội hóa nghề rừng đến với nhân dân. Từ năm 2013 đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã tiến hành thiết kế, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán kinh phí trồng rừng tập trung tổng diện tích là 3.101,18 ha và 1.521.872 cây phân tán phân bổ trên toàn huyện Quế Phong. 

Cùng với công tác trồng rừng, trong những năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã thực hiện tốt công tác chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng, với tổng khối lượng là 527,4 ha; tiến hành gieo tạo hơn 4 triệu cây giống các loại, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của khu bảo tồn trong việc thực hiện một số dự án và nhu cầu của người dân trên địa bàn. 

Đức Sơn

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 07/10/2024