Điểm Du lịch sinh thái Cà Mau - Eco vừa đưa vào khai thác sản phẩm "Làng rừng Vồ Dơi" để phục vụ khách tham quan. Đây là mô hình làng rừng đầu tiên được phục dựng tại tỉnh Cà Mau, góp phần để thế hệ trẻ hiện nay hiểu thêm về truyền thống lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.
Trong không gian rừng tràm U Minh hạ, mô hình "Làng rừng Vồ Dơi" của điểm Du lịch sinh thái Cà Mau - Eco đã tạo những nét đặc trưng riêng. Du khách đến đây sẽ thấy được những ngôi nhà sàn mái lá giản dị đậm chất xưa, rộng chừng 20m2; Các ngôi nhà được bố trí theo từng cụm, tạo thành một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Trong những ngôi nhà sàn có nhiều hình nhân được phục dựng theo hình ảnh người lính cách mạng đã tham gia kháng chiến đầy gian lao, vất vả nhưng kiên trung, quật cường.
Du khách thích thú với các nét mô phỏng lại cuộc sống ngày trước
Len lỏi giữa tán rừng là con đường lót ván gỗ uốn lượn. Quanh các con đường là những bẫy chông, vừa để bảo vệ an toàn cho làng, vừa tạo nên hệ thống phòng thủ. Chị Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Điểm du lịch sinh thái Cà Mau Eco cho biết, mô hình Làng rừng tái hiện lại cuộc sống thường ngày của chiến sĩ và đồng bào ta trong giai đoạn kháng chiến thập niên 1960 và 1970. Điểm du lịch đã tìm gặp nhiều nhân chứng lịch sử và đón nhận nhiều góp ý, giúp đỡ để có thể tái dựng lại mô hình Làng rừng Vồ Dơi chân thực nhất: "Bênh cạnh sự góp ý rất chân tình của các cô chú đã từng tham gia chiến đấu ở địa phương, thì nhiều cô chú còn tặng hiện vật như chú Phạm Lai lớn tuổi không đến làng rừng được nhưng đã gửi tặng cây ben đã theo chú hơn 40 năm qua. Bên cạnh đó, rất nhiều cô chú ở Hội Nhà báo cũng tặng các tác phẩm tranh ảnh cho mình để hỗ trợ trưng bày, tái hiện làng rừng phục vụ du khách".
Du khách trải nghiệm không gian làng rừng trên xuồng ba lá
Trước đây Làng rừng không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi sinh hoạt, học tập và chiến đấu lực lượng cách mạng, người dân địa phương. Tại đây, các cán bộ đã tổ chức nhiều lớp học bình dân học vụ, giúp người dân nâng cao dân trí. Bên cạnh đó, người dân còn được đào tạo để trở thành những chiến sĩ cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Việc tái hiện Làng Rừng không chỉ là để tưởng nhớ những hy sinh của thế hệ đi trước mà còn là cách để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước.
Chị Nguyễn Băng Tâm, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai khi tận mắt thấy được các mô hình phục dựng tại điểm du lịch đã không khỏi xúc động, bởi mẹ chị cũng từng sinh sống ở đây và nay phần nào chị đã thấy được cuộc sống đầy khó khăn của mẹ mình: "Tôi cũng mơ ước đến Cà Mau lâu rồi vì đây là quê mẹ nay về thì rất hạnh phúc. Về nơi đây mình hiểu thêm về lịch sử, những điều trước đây chưa biết vô đây thì được hiểu thêm. Rất xúc động, bởi đã thực hiện được và hiểu hơn về quê mẹ của mình ngày xưa thế nào".
Chị Băng Tâm phần nào cảm nhận được cuộc sống trước đây của mẹ mình tại Làng rừng Vồ Dơi
Từ khi mô hình Làng rừng Vồ Dơi được phục dựng, điểm du lịch Cà Mau Eco đã đón được nhiều du khách đến trải nghiệm hơn. Bởi đến đây không chỉ đến với không gian rừng tràm U Minh hạ bạt ngàn mà còn trải nghiệm được cả những nét xưa. Chị Nguyễn Thanh Trúc, du khách đến từ Đồng Nai chia sẻ: "Tôi ấn tượng là mình hòa được vào với thiên nhiên nơi đây, nhất là được nghe và hiểu biết thêm về lịch sử đấu tranh của ông cha. Tôi cảm thấy hạnh phúc và rất tự hào".
Chị Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Cà Mau Eco mong muốn giá trị lịch sử, giá trị truyền thống mô hình Làng rừng sẽ lan tỏa hơn nữa đến mọi người: "Tôi mong nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ cộng đồng, các trường học, các cơ quan chức năng... để nhiều người biết được về truyền thống lịch sử dân tộc, bên cạnh đó là nhắc lại, khơi lại để thế hệ sau hiểu hơn về những hy sinh của cô chú ngày xưa".
Túp lều lá được phục dựng mô tả lại cuộc sống của người dân ngày xưa
Làng rừng Vồ Dơi được Cà Mau Eco tái hiện để du khách được trải nghiệm không gian lịch sử. Đến với làng rừng không chỉ có những thú vị của vùng đất rừng U Minh hạ giàu sản vật mà còn được tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Trần Hiếu