Những sản phẩm du lịch mới không chỉ tạo thêm những điểm nhấn mới trong bức tranh du lịch toàn vùng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế.
Du khách trải nghiệm tại vườn tre Tư Sang.
Nhiều năm qua, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ gia đình, nhà đầu tư đã tận dụng lợi thế cảnh sắc, văn hóa vùng miền và sáng tạo thêm những loại hình tham quan, vui chơi mới.
Những cách làm mới
Trước đến nay, mặc dù đồng bằng sông Cửu Long luôn là điểm đến hấp dẫn, tuy nhiên, việc níu chân du khách vẫn là bài toán khó. Nhiều địa phương, khu du lịch đau đầu với bài toán níu giữ khách lưu trú nhiều ngày hoặc làm sao để khách không chỉ đến đây một lần mà còn quay trở lại.
Nhiều người cho rằng, miền Tây Nam Bộ cần có thêm nhiều cách làm du lịch sáng tạo.
Đánh giá của không ít du khách, du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế là sông nước, miệt vườn, nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng vẫn có sự “chung chung”, không có điểm nhấn đặc biệt.
Anh Võ Kha (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Miền Tây thích hợp với du lịch ngắn ngày hơn là nghỉ dưỡng. Tôi đi qua nhiều địa phương, nhiều khu du lịch, vẫn chủ yếu là các món ăn của miền tây, chơi những trò chơi như đi cầu khỉ, tát mương bắt cá… Điều này dẫn đến việc dễ nhàm chán. Việc có những không gian độc, lạ, có sự sáng tạo là rất quan trọng”.
Mặc dù chưa thật sự có nhiều khu vui chơi, giải trí mang tính sáng tạo, tuy nhiên, thời gian qua, ở Tây Nam Bộ, nhiều điểm đến có sự thay đổi, sáng tạo, qua đó thu hút nhiều du khách đến khám phá.
Du khách trải nghiệm tại cồn Sơn (Cần Thơ).
Tận dụng không gian sông nước, một nhóm bạn trẻ là sinh viên đại học đã tổ chức tour chèo ván sup trên sông Hậu. Một số điểm du lịch như vườn tre Tư Sang (Hậu Giang), Căn nhà màu tím, bảo tàng cá Bảy Bon (Cần Thơ), thay vì tận dụng diện tích đất bao la để khai thác sông nước, miệt vườn thì đã có sự sáng tạo nhưng vẫn giữ được phong cách đậm chất miền Tây.
Vườn tre Tư Sang trồng những cây tre để khách thưởng ngoạn. Căn nhà màu tím đúng như tên gọi, với tông màu tím chủ đạo, nhưng len lỏi đâu đó là các công trình bảo tàng lưu giữ các món đồ miền Tây xưa, hay không gian được thiết kế đẹp mắt, dành riêng cho du khách mặc quần áo bà ba chụp ảnh...
Bảo tàng cá Bảy Bon là công sức hàng chục năm của ông Lý Văn Bon để sưu tầm, bảo tồn hàng chục loại cá quý hiếm của miền Tây, mang đến cho du khách sự trải nghiệm mới mẻ.
Du khách trải nghiệm tại bảo tàng cá Bảy Bon.
Tôi nuôi cá vừa bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng, vừa để mọi người biết trên dòng Mê Kông từ xưa đã có những loại cá như thế. Các bè cá cũng mang đến cho tôi một nguồn thu đáng kể, vì du khách đến đây rất đều đặn. - Ông Lý Văn Bon, chủ Bảo tàng cá Bảy Bon chia sẻ.
Hiện nay, ông Bảy Bon nuôi hàng chục loại cá quý hiếm, còn rất ít trong tự nhiên như cá hô, he, nanh heo, me rổ, tra cờ… Các loại cá được ông nuôi dưỡng rồi tìm cách cho chúng sinh sản để thả ra tự nhiên.
Cuối năm 2022, tại Bảo tàng cá Bảy Bon, một nhóm học sinh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành lập phòng thông tin có tên “Nghề cá trên sông Hậu” dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tại Đại học Cần Thơ.
Khách đến đây sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin những loài cá đặc trưng trên sông Hậu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Mô hình 3D về 15 loài cá khác nhau, kèm theo giới thiệu về đặc tính của các loài cá được xây dựng.
Thay đổi để phát triển
Tại vườn tre Tư Sang, khuôn viên có diện tích khoảng 10 ha, nằm bên bờ con sông nhỏ, có thể thấy rất nhiều du khách rất hứng thú khi đến đây.
Chị Trần Bảo Yến (du khách từ Nghệ An) chia sẻ: "Đi miền tây nhiều lần, nhưng bây giờ tôi mới có dịp đến đây và thấy ấn tượng với con đường trải dài ngút tầm mắt dưới những bóng tre xanh mát, đan quyện vào nhau. Miền tây cần có thêm những không gian sáng tạo như thế này để mang đến những sự mới lạ cho du khách".
Du khách thích thú với trải nghiệm mới lạ tại một khu sinh thái ở Hậu Giang.
Theo anh Trần Trí, quản lý vườn tre Tư Sang, những con đường tre này là tâm huyết của ông Đặng Văn Sang. Từ khoảng năm 1990, ông chuyển sang trồng tre. Ban đầu chỉ là những cây đơn lẻ, sau đó, nhờ công chăm sóc, các cây con mọc ra thành bụi, thành lũy.
Mấy năm trước, nhiều người liên hệ với ông Sang sử dụng vườn tre làm du lịch. Nhận thấy đây là cơ hội vừa để vườn tre của mình được biết đến nhiều hơn, vừa gìn giữ hình ảnh cây tre vốn rất thân thuộc với người dân Việt Nam, ông Tư Sang đồng ý với điều kiện giữ nguyên các khóm tre, không được bê-tông hóa. Hiện tại, mỗi ngày, khu sinh thái đón khoảng 100 khách. Cuối tuần hoặc lễ, tết, có khoảng hơn 400 du khách, mang đến nguồn thu không nhỏ.
Rất đông du khách trải nghiệm không gian mới lạ tại Căn nhà màu tím.
Tại Căn nhà màu tím, gọi là “căn nhà”, nhưng đây là khuôn viên với nhiều khu nhà, vườn cây, ao cá, lấy mầu tím làm chủ đạo. Nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết, họ chọn nơi đây làm điểm đến bởi nhiều khách hàng yêu cầu đưa “Căn nhà màu tím” vào chương trình tour.
Nơi đây được nhiều người ưa thích bởi ý tưởng sáng tạo lại lưu giữ nhiều vật dụng sinh hoạt ngày xưa và cách trưng bày đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương…
Ông Lý Văn Bảy, chủ Bảo tàng cá Bảy Bon cho biết, để khai thác du lịch hiệu quả, không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch mới, lạ mà còn phải biết cách kết hợp nhiều người, nhiều nhà cùng làm du lịch, để tạo sự phát triển chung.
"Tại Cồn Sơn, chúng tôi làm du lịch theo kiểu tận dụng thế mạnh của từng nhà. Thí dụ, tôi có bè cá, du khách đến đây nếu muốn thưởng thức ẩm thực thì chỉ cần một cuộc điện thoại, cần bất cứ món ăn nào cũng sẽ có, do một gia đình gần đó mang đến. Khách muốn tham quan miệt vườn, trải nghiệm các trò chơi dân gian cũng sẽ được giới thiệu đến các điểm ở cồn Sơn.", ông Bảy Bon chia sẻ.
Thay đổi để phát triển du lịch không chỉ ở sản phẩm, mà còn cách làm, để cùng nhau khai thác hiệu quả thế mạnh, cùng nhau làm giàu cho gia đình, quê hương. Như bè cá của ông Bảy Bon, mỗi tháng thu về từ du lịch không dưới 100 triệu đồng. Các hộ chung quanh cũng có khoản thu nhập rất tốt.
Trải nghiệm chèo ván sup trên sông Hậu.
Mỗi nơi có một nét đặc trưng riêng. Sông nước miệt vườn, sinh thái là thế mạnh của miền Tây. Chúng tôi phải tận dụng được điều đó để không chỉ phát triển bộ môn chèo SUP mà còn giúp du khách đến với miền Tây có những trải nghiệm mới mẻ. Anh Lê Trần Đăng Khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo sup trên sông Hậu
Xuất hiện chưa lâu, nhưng bộ môn chèo ván SUP trên sông Hậu đã trở thành một loại hình du lịch được nhiều người tham gia khi đến với Cần Thơ.
Được tự chèo SUP trên dòng sông Hậu mênh mông rồi len lỏi trong những con rạch, dưới những bóng cây mát rượi là trải nghiệm khó quên với bất kỳ ai.
Hành trình bắt đầu từ công viên Sông Hậu, đi vào các con rạch nhỏ giữa cồn Ấu ra bến tàu nhỏ gần cầu Cần Thơ. Tại đây, du khách có thể ghé lại ăn uống, nghỉ ngơi và đợi đón hoàng hôn trên sông. Nếu muốn phiêu lưu, khách có thể kết hợp cắm trại qua đêm.
Anh Lê Trần Đăng Khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo sup trên sông Hậu cho biết, mục tiêu của câu lạc bộ là phát triển mô hình chèo SUP trở thành một nét đặc trưng của du lịch miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng. Để làm được điều đó, ngoài việc quảng bá rộng rãi thì việc kết hợp với du lịch sinh thái là cần thiết.
Hoàng Phan