Cũng như các tỉnh, thành khác ở miền Tây, Hậu Giang có tiềm năng lớn về du lịch sông nước. Việc định hướng khai thác tiềm năng này đang dần đi vào chiều sâu, biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch để thu hút khách.
Hậu Giang đang định hướng khai thác các tuyến sông để phát triển du lịch, hứa hẹn là sản phẩm đặc sắc. Thiết kế: Bảo Nam
Định hình, khai thác dần lợi thế được thiên nhiên ban tặng
Kênh xáng Xà No là một trong những nét riêng của Hậu Giang. Đây là tuyến đường lúa gạo huyết mạch, đã tồn tại hơn 100 năm qua. Tỉnh đã thấy tiềm năng rất lớn nếu xây dựng tuyến kênh này thành một sản phẩm du lịch độc đáo.
Từ đó, lãnh đạo tỉnh đã mời gọi các nhà lữ hành, chuyên gia du lịch khảo sát để chia sẻ những hướng đi mới mẻ, có thể khai thác du lịch trên tuyến kênh này. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là tuyến kênh rất đẹp, nếu biết cách khai thác, sẽ trở thành một điểm nhấn cho du lịch Hậu Giang.
Điều cần là xây dựng những điểm dừng chân, để du khách thưởng ngoạn phong cảnh yên bình, thưởng thức những đặc sản của từng nơi. Trong điều kiện hiện tại của Hậu Giang, có thể thực hiện dần, bắt đầu bằng việc tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân sống dọc hai bờ kênh ý thức, bước đầu khai thác du lịch trong khả năng. Cùng với đó là sự định hướng bài bản, có phân kỳ thành từng giai đoạn.
Hậu Giang còn có tuyến sông Ngã Bảy, với chợ nổi trứ danh một thời, cùng câu chuyện tình của anh bán chiếu qua bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của cố soạn giả Viễn Châu. Dù chợ nổi không còn, nhưng trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh nói chung, thành phố Ngã Bảy nói riêng, tuyến sông này vẫn không thể thiếu.
Những năm qua, địa phương đã thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn với tổng vốn đầu tư khoảng 35 tỉ đồng. Dọc trên tuyến sông, các nhà vườn đã khai khác vườn cây ăn trái: Vườn dâu Thiên Ân, Vườn trái cây Bảy Liễu... để thu hút du khách.
Địa phương đang tích cực kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, thương mại, để khai thác các sản phẩm trên tuyến sông này, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng... để dần đáp ứng nhu cầu của du khách.
Những định hướng có chiều sâu
Để biến những tiềm năng sẵn có từ thiên nhiên thành hiện thực, Hậu Giang đã khai thác dần bằng việc kết nối vào vùng khóm Cầu Đúc tại thành phố Vị Thanh, kết nối với Trang trại sữa dê Ngọc Đào, Homestay Mương Đình và các vườn xoài cát Hòa Lộc, vườn dâu đoạn ngang qua huyện Châu Thành A.
Thời gian qua, huyện Châu Thành A có nhiều động thái để khai thác du lịch, hướng đến khai thác tiềm năng du lịch miệt vườn, sông nước một cách bài bản. Những người dân thích làm du lịch ở địa phương được hỗ trợ, tạo điều kiện tập huấn về cách làm du lịch, vừa trồng cây ăn trái để bán như cách thông thường, vừa phục vụ khách tham quan du lịch. Từ đó, nhà vườn đã dần có những động thái tích cực hơn, quan tâm đến khai thác môi trường sinh thái trong chính ngôi vườn nhà để làm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ vườn măng cụt 100 năm tuổi ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết, khi khai thác du lịch để phục vụ, ông đã phải học hỏi rất nhiều. Được sự hỗ trợ của địa phương cung cấp cho ông nhiều thông tin hữu ích, ông càng muốn phát huy sản phẩm du lịch của địa phương, góp sức vào hành trình phát triển du lịch của tỉnh.
Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang được triển khai thực hiện, thể hiện được sự định hướng, quan tâm đầu tư và khai thác du lịch một cách có chiều sâu, để phát huy thế mạnh sông nước miệt vườn, tạo được nét riêng khác biệt.
Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ. Bởi xây dựng sản phẩm du lịch sông nước khác biệt đã khó, đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi, tìm sự mới mẻ, khác lạ của du khách lại càng khó hơn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ngoài việc quan tâm đầu tư, khai thác đúng hướng lợi thế, tiềm năng, còn là cách chọn sản phẩm đột phá và truyền thông một cách hợp lý, thu hút.
Hậu Giang đã phát triển du lịch từ trong khó khăn và xuất phát điểm thấp. Đến thời điểm này, du lịch Hậu Giang bắt đầu có những chuyển biến. Một số tập đoàn lớn đã tìm đến để tìm hiểu về những dự án du lịch đang kêu gọi đầu tư, đặc biệt là dự án tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Khi nơi đây được đầu tư khai thác, hứa hẹn sẽ trở thành một sản phẩm độc đáo, tạo nên nét riêng của du lịch Hậu Giang trong thời gian tới.
V.TR