Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) được quy hoạch thành Vườn quốc gia.
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bát Xát được thành lập năm 2016 theo Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai và nằm trong quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng Quốc gia. Với diện tích hơn 18.600ha nằm trên địa bàn của 5 xã Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và xã Nậm Pung, huyện Bát Xát. Nằm ở đầu dãy núi cao Hoàng Liên Sơn, Khu BTTN Bát Xát là khu rừng có đặc tính đa dạng sinh học cao tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng lùn trên núi cao.
Theo các kết quả điều tra, khảo sát đã đánh giá Khu BTTN Bát Xát là vùng rừng có tính đa dạng sinh học cao, tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng trên núi cao. Kết quả đã ghi nhận được 940 loài thực vật, 157 loài động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có tới 22 loài động vật thuộc Danh lục đỏ thế giới và 58 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu tại độ cao 2000m đến 3000m thuộc tuyến đường đi đỉnh Kỳ Quan San đã ghi nhận được 126 loài chim thuộc 42 họ và 8 bộ, cho thấy sự độc đáo về địa hình, khí hậu đã tạo cho khu hệ chim của Khu BTTN Bát Xát có sự đa dạng tương đối cao về thành phần loài, đại diện cho khu hệ chim của vùng núi cao miền Bắc Việt Nam.
Hệ sinh thái rừng ở đây bao gồm: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín hỗn giao cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi thấp; rừng kín lá rộng thường xanh núi trung bình và rừng kín lá rộng thường xanh ôn đới núi cao, lạnh. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng thường xanh ôn đới núi cao được xác định là một trong những hệ sinh thái rừng quan trọng bậc nhất Việt Nam.
Khu BTTN Bát Xát với hệ động thực vật đa dạng, quý hiếm.
Khu bảo tồn này còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều đỉnh núi cao được xếp bậc nhất nhì ở Việt Nam, như đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m, Ky Quan San cao 3.046m, Nhìu Cồ San cao 2.965m; tuyến khám phá thác đỏ - quần thể thiết sam cổ thụ trên đỉnh Cú Nhù San, di tích Đường đá cổ Pavie, thác Hồng Ngài và cột mốc biên giới số 85...
Tất cả những cảnh quan này đều nằm trong các khu rừng đặc dụng bảo tồn được trên 90%, đây là điều rất hiếm so với các vườn quốc gia trên cả nước đã được công nhận. Không chỉ đa dạng hệ động, thực vật, sinh thái, khu vực này còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây.
Công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được đẩy mạnh triển khai tại Khu BTTN Bát Xát.
Xác định công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý Khu BTTN Bát Xát trong thời gian qua thực hiện tốt công tác thừa hành pháp luật về lâm nghiệp, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và đình chỉ, xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.
Trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được Ban quản lý Khu BTTN Bát Xát xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, luôn phối hợp quản lý với các cơ quan chức năng, đơn vị giáp ranh và chính quyền địa phương được thực hiện thường xuyên và liên tục. Đồng thời, Ban quản lý triển khai thực hiện hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần lớn cho Khu bảo tồn chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động tuần tra, ngăn chặn các mối đe dọa đến tài nguyên rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước đó, chủ trương nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát lên thành Vườn Quốc gia Bát Xát đã được tỉnh đề xuất trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án nâng hạng Khu BTTN Bát Xát để báo cáo, xin phê duyệt chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp đó sẽ trình bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh phê duyệt thành lập Vườn quốc gia Bát Xát.
Việc nâng cấp Khu BTTN Bát Xát thành Vườn quốc gia Bát Xát có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác tiềm năng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là giải pháp quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ quốc phòng và đảm bảo an ninh biên giới.
Theo Quyết định 895/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, những vườn quốc gia mới đều được chuyển hạng từ khu dự trữ thiên nhiên. Đó là Mường Nhé (Điện Biên), Bát Xát (Lào Cai), Xuân Liên (Thanh Hóa), An Toàn (Bình Định), Bắc Hướng Hóa, Đắk Rông (Quảng Trị), Ea Sô (Đắk Lắk).
Như vậy, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia định hướng xây dựng tổng cộng 41 vườn quốc gia trên cả nước, tập trung chủ yếu tại Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (12 vườn), Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên (cùng 8 vườn). Căn cứ Luật Đa dạng sinh học 2008, Việt Nam hiện có 4 loại khu bảo tồn thiên nhiên, đó là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan.
Tiêu chí phân cấp khu bảo tồn dựa trên mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp.
Điểm khác biệt của Vườn quốc gia, cấp cao nhất trong hệ thống phân hạng Khu bảo tồn, so với các hạng còn lại, đó là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (IUCN). Ngoài ra, khi được công nhận Vườn quốc gia, Khu bảo tồn sẽ có nhiều điều kiện hơn để thu hút đầu tư vào các giá trị du lịch sinh thái, cảnh quan.
Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 225 khu rừng đặc dụng, trong đó có 41 Vườn quốc gia và 30 khu được thành lập mới. Tổng diện tích được quy hoạch là gần 2,65 triệu ha, cao hơn hiện trạng gần 200.000ha. Một số khu rừng tăng diện tích lớn, chẳng hạn Phú Quốc gần 29.000ha (gần 100%), Kon Chư Răng hơn 23.000ha (gần 150%), Hoàng Liên Văn Bàn tăng 20.000ha (hơn 80%), Cát Tiên hơn 11.000ha (hơn 15%), Mường Nhé gần 10.000ha (gần 30%).../.
Ngọc Minh