Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương miền Trung đã sáng tạo, thích ứng, biến thách thức thành cơ hội. Theo đó, các sản phẩm du lịch đặc thù cho mùa mưa, lũ không chỉ giúp duy trì hoạt động du lịch, mà còn mang đến cho du khách trải nghiệm mới lạ.
Trải nghiệm “mưa Huế”, chèo thuyền mùa lũ ở phố cổ Hội An
Tại Thừa Thiên Huế, việc phát triển du lịch mùa mưa không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn góp phần giảm tính mùa vụ trong du lịch. Nhiều du khách tìm đến Huế vào mùa mưa để cảm nhận nét cổ kính trong không gian yên bình, khác biệt so với sự nhộn nhịp của mùa nắng.
Ngắm Đại Nội cổ kính, dạo quanh những góc phố, thưởng thức ẩm thực hay nghe ca Huế giữa dòng sông Hương trong mưa… tạo nên trải nghiệm thú vị, độc đáo đối với du khách.
Du khách đi xích lô ngắm Huế trong mưa. Ảnh: Hoàng Lê
Ý tưởng đưa “Mưa Huế” - từ những bất lợi về mặt thời tiết thành sản phẩm du lịch đã được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế" tại thành phố Huế từ năm 2011.
Theo đó, trong kiến trúc cung đình Huế đều có hệ thống các trường lang, cầu có mái che nối từ nơi này sang nơi khác chính là sự thích nghi của người xưa về "mưa dầm xứ Huế". Trên cơ sở đó, có thể khai thác các hoạt động nghệ thuật gắn với khung cảnh trời mưa Huế như nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, chụp ảnh dưới mưa... giúp du khách trải nghiệm mưa Huế khác lạ.
Ông Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội lữ hành Huế, nhận định làm du lịch thích ứng thời tiết thì điều quan trọng nhất là xây dựng các sản phẩm thích ứng với thời tiết của địa phương đó. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng sản phẩm đó mang lại cho du khách trải nghiệm đáng nhớ.
Theo ông Tú, tại Thừa Thiên Huế, thời tiết thường mưa vào buổi chiều. Do đó, đơn vị tổ chức tour và cung cấp dịch vụ cần theo dõi thời tiết để có phương án thay đổi phù hợp. "Ví dụ như đưa các điểm tham quan ngoài trời vào buổi sáng, tham quan các điểm trong nhà vào buổi chiều", ông Tú nói.
Du khách đi thuyền khám phá phố cổ Hội An trong mùa lũ. Ảnh: Nhân Tâm
Bên cạnh đó, phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, cũng đã phát triển một số sản phẩm du lịch để thích nghi với thời tiết. Trong mùa mưa lũ, phố cổ Hội An thường bị ngập lụt, tạo điều kiện cho các tour du lịch bằng thuyền trong khu phố cổ - trải nghiệm độc đáo thu hút khách quốc tế.
Ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhận định với Hội An, cơ hội để làm du lịch mùa lụt là khả thi. Theo quan sát của ông, nhiều năm qua, nhu cầu của du khách muốn trải nghiệm “lụt Hội An” là có thật.
Ông Phùng cho rằng Hội An có nhiều đặc điểm hiếm có để làm du lịch trải nghiệm mùa nước lụt. Đó là, mùa lụt diễn ra chủ yếu vào tháng 10 và 11 Dương lịch hàng năm, trùng với mùa cao điểm của khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, phố cổ Hội An có địa hình thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch mùa lũ. “Cũng là phố cổ nhưng ba tuyến đường giáp và cận sông Bạch Đằng thì ngập lụt đến 2-3 mét, có khi lên đến 4 mét. Tuy nhiên, từ đường Phan Châu Trinh trở ra hướng Bắc là khu cao ráo, ít bị lụt. Khu vực này chính là hậu cứ để xử lý mọi tình huống và cung ứng hậu cần, nhân lực cho sản phẩm du lịch”, ông Phùng nói.
Song song đó, hệ thống nhà hai tầng hình ống cùng sân trời, có mặt tiền ở hai đường chính là đường Bạch Đằng và đường Nguyễn Thái Học hoặc đường Nguyễn Thái Học và Trần Phú - là nơi có không gian thoáng, rộng để khách nhâm nhi cà phê và ngắm mưa “phố Hội”.
Hơn nữa, du khách cũng có thể thưởng thức bữa cơm mùa lụt, đặc biệt là món cá cơm hoặc cá hố khô kho với khế chua rất đặc trưng của người dân miền Trung vùng lụt.
Khách du lịch đi xích lô ở Hội An vào mùa lũ. Ảnh: Minh Hải
Ông Phùng cho biết quy luật của lụt ở Hội An là mưa lớn trong nhiều ngày cộng với gió chướng - nước dâng ngày càng cao. Sau vài ba ngày hết mưa, bớt gió và có thể nắng lên, nước không dâng nữa và cũng không rút xuống hoặc rút rất chậm trong vài ba ngày, mà dân gian gọi là “nước đã cầm chừng”.
Đây là “thời điểm vàng” để tổ chức cho khách đi ghe để "chiêm nghiệm" lụt phố cổ Hội An với các mái cổ mấp mé hoặc đã chìm dưới làn nước, các biển hiệu, "mắt cửa" chao mình dưới bóng nước… giúp du khách lưu lại khoảnh khắc hiếm có trong năm.
“Khi nước dần rút xuống - bắt đầu từ đường Trần Phú rồi đến đường Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, ngành du lịch có thể tổ chức tour du lịch thiện nguyện như chùi rửa đồ đạc trong các di tích, trong nhà dân, trong chợ Hội An; dọn đẩy rác, bùn non trên các đường phố, trên sông Hoài… Một bức ảnh thiện nguyện cùng người dân địa phương là kỷ niệm khó phai và hiếm gặp lại trong đời của mỗi du khách”, ông Phùng bộc bạch.
“Đón lũ” ở làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa, Quảng Bình
Khi cơn bão số 4 (Soulik) đổ bộ vào giữa tháng 9 vừa qua, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lại một lần nữa đối mặt với tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, mỗi khi nước lũ dâng cao, những ngôi nhà phao tại đây nổi lên cùng dòng nước, bảo đảm an toàn cho người dân và cũng chính là điểm nhấn hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến nơi đây.
Cánh đồng cỏ trước Tú Làn Lodge ngập nước, trở thành nơi trải nghiệm chèo SUP ngắm lụt thú vị cho du khách.
Với 10 homestay thích ứng thời tiết của người dân, vốn được cải tạo từ nhà chống lũ, cùng với 20 căn bungalow tại Tú Làn Lodge, Tân Hóa vẫn có thể đón khách ngay cả khi nước lũ dâng cao. Chính yếu tố du lịch thích ứng với thời tiết này đã góp phần đưa Tân Hóa trở thành Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism).
Ông Phan Văn Thìn, Giám đốc điều hành tour Công ty Oxalis Adventure - công ty chuyên về du lịch mạo hiểm tại Quảng Bình, cho biết hoạt động du lịch tại Tân Hóa gắn liền với các tour du lịch khám phá hang động Tú Làn. Oxalis tổ chức các tour du lịch khám phá hang động từ 1 đến 4 ngày tại hệ thống hang động Tú Làn và Hang Tiên.
Người dân Tân Hóa vốn đã sống thích ứng với thời tiết mưa lũ, mỗi hộ gia đình đều có nhà nổi sử dụng trong lũ lụt. Đây chính là tiền đề của du lịch thích ứng thời tiết và hoạt động du lịch hoàn toàn đồng bộ với đời sống người dân.
Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 là mùa mưa ở Tân Hóa, do đó, một số tour du lịch đi vào rừng sâu sẽ tạm dừng hoạt động 2 đến 3 tháng để bảo đảm an toàn, đồng thời hệ thống hang động có thời gian tái cân bằng hệ sinh thái.
Vào mùa mưa, Oxalis vẫn vận hành một số sản phẩm khám phá hang động ngắn ngày và đi những khu vực an toàn. Có thể kể đến như sản phẩm “Trải nghiệm Tú Làn trong ngày”, “Khám phá hang Tiên trong ngày”, hay kết hợp lưu trú tại homestay hoặc Tú Làn Lodge để tạo thành tour hai ngày một đêm, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm thêm các dịch vụ như ăn tối tại nhà dân Tân Hóa hay khám phá rừng lim bằng xe ATV…
“Tân Hóa là làng du lịch thích ứng thời tiết, do đó, làng có thể đón và phục vụ khách đến lưu trú và ăn uống tất cả các tháng trong năm, thậm chí là vào những ngày mưa lũ. Tuy nhiên, những ngày bão lớn ảnh hưởng đến an toàn thì có thể ngừng phục vụ”, ông Thìn nói.
Để khai thác hiệu quả và bền vững, Oxalis Adventure tập trung đẩy mạnh vào hệ thống lưu trú. Theo đó, các căn "mountain bungalow" thuộc khu lưu trú Tú Làn Lodge được xây dựng ở vị trí cao, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có độ bền cao như tre, trúc và khung thép tái chế.
Ngoài ra, các căn homestay và bungalow được xây dựng theo mô hình nhà nổi. Khi mưa lớn, nước lũ dâng lên, những căn nhà này sẽ nổi lên cùng mực nước nhờ hệ thống các thùng phuy được lắp bên dưới, tạo cho du khách trải nghiệm mới lạ.
Chèo SUP di chuyển xung quanh làng Tân Hóa. Ảnh: Oxalis Adventure
Về phương tiện di chuyển, vào những ngày thời tiết đẹp, du khách sẽ được trải nghiệm đạp xe để di chuyển từ Tú Làn Lodge về các homestay của người dân hoặc đi dạo khám phá làng quê. Tuy nhiên, khi nước lũ dâng cao, thuyền máy, thuyền kayak, SUP… là những phương tiện được sử dụng, qua đó, cũng góp phần làm mới trải nghiệm cho du khách.
Việc ứng dụng công nghệ khi xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết cũng là điều cần được quan tâm. Theo đó, Oxalis Adventure lắp đặt các hệ thống đo mưa tại nhiều điểm trên địa bàn xã Tân Hóa, cùng với máy quay trực tuyến tại Tú Làn Lodge. Điều này sẽ giúp du khách có thể theo dõi trực tuyến được lượng mưa và tình hình thời tiết, đảm bảo mọi chuyến đi đều an toàn và trọn vẹn.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên là người địa phương, am hiểu về địa hình cũng như thời tiết cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức cho nhân viên các khóa đào tạo về kỹ năng an toàn, cứu hộ và sơ cấp cứu khi gặp vấn đề về sức khoẻ.
Giảm tính mùa vụ, thêm trải nghiệm độc đáo
Theo nhận định của Oxalis Adventure, du lịch thích ứng thời tiết không phải là sản phẩm du lịch riêng biệt, mà là sản phẩm du lịch được tạo ra có thể thích ứng với các điều kiện khác nhau. Nhờ đó, doanh nghiệp khai thác du lịch có thể mang lại các trải nghiệm an toàn và thoải mái cho du khách mà không bị gián đoạn bởi các yếu tố của thời tiết, đặc điểm khí hậu tại địa phương.
“Việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết sẽ góp phần vào việc giảm thiểu tính mùa vụ trong du lịch, đồng thời tăng thêm hiệu quả trong hoạt động du lịch, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm hết vẻ đẹp Quảng Bình một cách an toàn, hấp dẫn, ngay cả vào những mùa mưa lũ”, ông Phan Văn Thìn, Giám đốc điều hành tour, Công ty Oxalis Adventure chia sẻ.
Khách quốc tế dạo phố Huế trong mưa. Ảnh: Hoàng Lê
Chia sẻ về việc các địa phương miền Trung đẩy mạnh sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, bà Nguyễn Giang Sở Hạ, Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Nội địa - Quốc tế Soha Group, cho rằng việc tận dụng mưa lũ thành sản phẩm du lịch ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, hay Hội An không chỉ giúp tối ưu hóa lợi thế địa phương mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo và mới mẻ cho du khách.
“Những sản phẩm này không chỉ tăng cường trải nghiệm, mà còn giúp khai thác bền vững các tài nguyên du lịch, ngay cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi”, bà Hạ chia sẻ.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Du Lịch Việt, cho rằng các sản phẩm du lịch trên cho thấy khả năng thích ứng và sáng tạo trong việc khai thác du lịch tại địa phương của ngành du lịch địa phương. “Trước tác động của biến đổi khí hậu, các tour du lịch mới đã mở ra cơ hội để phát triển du lịch xanh và mạo hiểm, thu hút những du khách ưa thích trải nghiệm độc đáo”, ông Vũ nói.
Cũng đồng quan điểm trên, tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và khách sạn, trường Đại học RMIT Việt Nam, đánh giá các sản phẩm này giúp du lịch sôi động hơn vào mùa thấp điểm, phân bổ thu nhập đều đặn hơn trong năm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa cho du khách.
Châu Phong