Thanh Hóa: Một điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn

Cập nhật: 17/10/2024
Huyện Hà Trung có 254 di tích, trong đó có 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 63 di tích cấp tỉnh. Di tích ở Hà Trung có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, gắn liền lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất đồng chiêm trũng. Nhiệm kỳ này, huyện Hà Trung được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; giữ gìn cảnh quan, môi trường; phát triển du lịch trong mối liên hệ với các ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ khác;...

Cán bộ, nhân dân xã Hà Long, huyện Hà Trung rước, đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đình Gia Miêu.

Ở xã Hà Sơn, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản. Cụm di tích đền Hàn Sơn, chùa Ngọc Sơn, đền Cô Bơ được trùng tu, tôn tạo, phục dựng lễ hội truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung thành lập câu lạc bộ để tập hợp, thu hút những người đam mê, yêu thích nghệ thuật hát ca trù, phục vụ trong sinh hoạt cộng đồng, thực hành nghi lễ. Tín ngưỡng thờ thần sông nước của cư dân nông nghiệp, thờ mẫu, thờ Phật, tri ân nhân thần, người có công với nước được giữ gìn, phát huy, định hình tâm lý hướng cội.

Trong lễ hội hằng năm, người dân khu vực này vẫn giữ tập tục lấy nước từ giữa lòng sông Ngã Ba Bông, rồi rước nước, rước kiệu từ đền Cô Bơ về đền Hàn Sơn, thờ nước trong cung cấm. Ngoài cư dân bản địa, xã Hà Sơn là nơi lập địa của những người dân đến từ huyện Hoằng Hóa và Yên Định. Chính quyền xã thường tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng giữa các làng văn hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuyến du lịch “Ngược, xuôi sông Mã” kết nối tới quần thể di tích này, đưa du khách khám phá một vùng non nước, di tích, danh thắng, đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Sơn Nguyễn Văn Ngọ trao đổi: Cùng với khai thác lợi thế du lịch tâm linh, lễ hội, cấp ủy, chính quyền xã cùng huyện Hà Trung quy hoạch quản lý, khai thác du lịch sinh thái hồ Sun rộng 25 ha và trải nghiệm, mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại các trang trại trên địa bàn. Hơn 50 ha trồng hoa huệ cho thu nhập cao hơn canh tác lúa, hiện tại xã Hà Sơn khuyến khích tích tụ đất đai, chuyển đổi diện tích sình lầy sang trồng hoa huệ, đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển nông trại gắn với khai thác du lịch.

Tại xã Hà Ngọc có Đền thờ tướng quốc Lý Thường Kiệt - người được triều đình điều vào Thanh Hóa trông coi vùng đất “căn bản”. Tại đây lưu giữ bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng có đoạn: “Đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng, Lý Thường Kiệt được phong làm em nuôi vua, trông coi mọi việc quân ở các châu trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân, châu Ái...”. Vẫn còn những quan điểm, luận cứ sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm năm 1029 xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, nhưng tín ngưỡng thờ tự, tôn vinh người có công với nước luôn được các thế hệ trao truyền, tôn vinh.

Ở xã Yên Dương có Đền thờ Trần Hưng Đạo cổ kính, nằm bên sông Tống Giang. Người dân trong vùng giữ tục đánh, bắt cá chuối, đem nướng chín, dâng thần thụ hưởng và khai ấn đền Trần vào ngày rằm tháng giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương. Để giữ gìn, chống xuống cấp di tích, huyện Hà Trung cải tạo khuôn viên, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhất là đua thuyền trên sông, bảo tồn nét đẹp truyền thống, tôn vinh thủy tổ cùng hào khí Đông A triều Trần, tạo cơ hội cho du khách được tham gia, thụ hưởng, sáng tạo văn hóa.

Trên địa bàn huyện Hà Trung còn gần 20 đình làng có giá trị lịch sử, văn hóa cách mạng, kiến trúc, điêu khắc độc đáo, trong đó nhiều mô típ chạm khắc trên gỗ thể hiện sinh động dấu ấn văn hóa Chăm Pa. Bà Phạm Thị Mật, 77 tuổi ở thôn Thượng Phú, xã Hà Đông cho biết: Ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng cho nên thôn đã mua vật liệu, định đảo, thay những viên ngói vỡ, nhưng phải đợi thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo. Hiện nay mái sụt, ngói vỡ, vào những ngày mưa nước nhỏ xuống làm mục kèo gỗ cùng các họa tiết chạm khắc tinh xảo, thậm chí nước chảy tràn vào lòng nền đình. Kinh phí chống xuống cấp có hạn, các bước, quy trình trùng tu, tôn tạo kéo dài nên nhiều ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng trong sự nuối tiếc của cộng đồng.

Đồng hành quảng bá, phát huy giá trị di tích, Huyện đoàn Hà Trung và thanh niên tình nguyện, sinh viên đến từ Trường đại học Kinh tế quốc dân cùng tham gia tổ chức sản xuất chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị di tích, di sản trên nền tảng số. Bước đầu có 4 di tích quốc gia được cập nhật thông tin, hình ảnh, tạo mã QR kết nối với các nền tảng số, mạng xã hội, thuận lợi cho người có nhu cầu tìm hiểu về di tích. Hơn 9 tháng qua, huyện Hà Trung đón 90.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 15.000 lượt khách so với năm 2023.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Trung Hoàng Văn Long thông tin thêm: Một số nhà nghiên cứu tâm huyết cùng tham gia khảo sát, nghiên cứu, đề xuất quy hoạch, khai thác lợi thế du lịch cộng đồng ở làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, nơi còn những ngôi nhà cổ, cổng, đường vào nhà cùng tam cấp lát đá, gạch cổ và những thiết chế cổ truyền còn bảo lưu, tái hiện trong đời sống cộng đồng. Làng có vị trí nằm trên quả đồi bát úp, mùa mưa đồng chiêm trũng trải dài tán lá, hoa súng vươn cao và điểm đến này có thể kết nối với di chỉ về người tiền sử Cồn Cổ Ngựa và Gia Miêu ngoại trang, quê hương của Chúa Nguyễn ở xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Bài và ảnh: Mai Luận

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 16/10/2024