Mỗi bước chân của du khách trên hành trình tour cũng phát thải đáng kể lượng khí CO2. Các địa phương và công ty du lịch đang triển khai đo mức độ phát thải của mỗi khách, từ đó có các biện pháp giảm phát thải, tiến tới Net Zero trong ngành du lịch.
Đo bước chân, giảm phát thải
Tại Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Chua me đất (Oxalis), cho biết, bình thường mỗi năm, Việt Nam phát thải 900 triệu tấn CO2, trong khi những cánh rừng của chúng ta chỉ hấp thụ được 110 triệu tấn. Du lịch vốn được gọi là ngành công nghiệp “không khói”, song trên thực tế vẫn phát thải lượng khí CO2 đáng kể.
Ông Nguyễn Châu Á dẫn chứng, ngay tại Oxalis, dù công ty giới hạn đón 1.000 khách tham gia tour khám phá hang Sơn Đoòng, nhưng một năm Oxalis phát thải 1.009 tấn CO2, dù chỉ là đi bộ. Vấn đề ở chỗ lượng phát thải trong rừng chỉ chiếm 20,8kg, song những gì phát thải ở bên ngoài và từ phía đối tác, nhà cung ứng là hơn 600kg.
Muốn giảm phát thải ra môi trường, bước đầu tiên cần đánh giá xem công ty, sản phẩm của mình phát thải bao nhiêu; bước hai là đưa ra giải pháp giảm phát thải trong nội tại doanh nghiệp; bước ba là tìm cách giảm phát thải cho đối tác, nhà cung ứng rồi sau đó mới tính đến chuyện mua tín chỉ carbon để trung hòa, trở thành Net Zero.
Du khách nước ngoài tham gia tour chèo thuyền vớt rác trên sông Đoài, Hội An. Ảnh: AEEC
Vị CEO của Oxalis nhận thấy rằng, không chỉ khách cao cấp mà cả khách du lịch bình thường cũng sẵn sàng trả tiền cao hơn nếu sản phẩm đó làm tốt vấn đề môi trường, làm tốt về vấn đề phát thải.
Oxalis là một trong những đơn vị du lịch đầu tiên ở Việt Nam tiến hành kiểm đếm lượng phát thải khí nhà kính từ năm 2023 và bắt đầu hành động từ năm 2024.
“2-3 năm nữa chúng tôi sẽ đạt được Net Zero trong nội tại doanh nghiệp (cấp 2), tức vào năm 2026; đạt cấp 3 (bao gồm cả các nhà cung ứng, đối tác) vào năm 2030. Hành động này góp phần vào tiến trình đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết, nhưng cần sự đồng hành, chung tay của tất cả công ty du lịch”, ông Á lưu ý.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, nhìn nhận, chúng ta luôn tự hào khi có nhiều điểm du lịch đẹp hơn cả Thái Lan, nhưng rác thải cũng nhiều nhất. Vì thế, Vietravel đã kiến nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng triển khai Go Green cho một chuyến đi du lịch xanh, môi trường xanh, không xả rác, giảm phát thải tiến tới không phát thải.
Ông Kỳ chia sẻ, Go Green được Vietravel triển khai từ năm 2013, tại khắp các tỉnh thành, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhưng thiết thực, như phát túi ni lông tự hủy cho du khách trên các hành trình tour; dọn vệ sinh, thu gom rác tại các điểm du lịch,...
Công ty này cũng triển khai đo carbon step (dấu chân carbon), tức là đo mức độ phát thải khí nhà kính của mỗi khách du lịch trong một chuyến đi, từ khâu vận chuyển, lưu trú, ăn uống... đến các hoạt động vui chơi, giải trí,... trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, ông Kỳ đề xuất các nhà hàng, khi làm việc với đầu bếp cần yêu cầu họ có hành động thiết thực để tiết kiệm năng lượng, bớt xả thải ra môi trường, từ đó gắn nhãn carbon cho các nhà hàng. Đây là việc rất lớn một mình hiệp hội không thể làm được. “Cần có chính sách, sự nhận thức và các bộ, ngành cùng ngồi với nhau để triển khai”, ông Kỳ nói.
Từ tấm “hộ chiếu xanh” đầu tiên đến du lịch Net Zero
Mới đây, tỉnh Bến Tre đã trao 15 cuốn "Hộ chiếu xanh" (Net Zero passport) đầu tiên tại Việt Nam cho những vị khách du lịch tham gia trải nghiệm tour "Net Zero Tours Bến Tre”. Đây là một sản phẩm du lịch Net Zero tiêu biểu, do Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T phối hợp cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) triển khai thí điểm từ tháng 3/2024.
Điểm đặc biệt là khi bước xuống tàu, việc đầu tiên là mỗi du khách được cấp một quyển sổ nhỏ và một cây bút chì vừa để bỏ túi: Net Zero passport.
Trong suốt hành trình tour, du khách sẽ được hướng dẫn ghi chép thông tin về những sản phẩm đã sử dụng trên từng chặng, những sản phẩm nào khi dùng sẽ góp phần phát thải carbon, sản phẩm nào sẽ giảm phát thải để bù đắp ngay trong hành trình tour hoặc có lựa chọn phương án bù đắp tốt nhất sau đó. Du khách cũng được tham gia chơi một trò chơi nhỏ là nhìn hình để sắp xếp theo thứ tự giảm phát thải khí carbon...
Chẳng hạn, so sánh giữa ăn một trái dừa với 1 trái sầu riêng, hay giữa trái sầu riêng và trái mít thì ăn trái nào dẫn đến phát thải nhiều hơn?
Cây dừa xiêm được tính toán lượng hấp thụ carbon mỗi năm, như một cách quảng bá du lịch xanh. Ảnh: Võ Phong
Không chỉ hạn chế sử dụng rác thải nhựa như túi, chai, ống hút nhựa,... nhà tổ chức tour cho hay Net Zero tour Bến Tre còn khắt khe hơn trong sử dụng và định hướng du khách lựa chọn sản phẩm dịch vụ. Đó là gần như khách phải tuyệt đối cân nhắc sử dụng các sản phẩm giảm phát thải trong cả hành trình để cân bằng lượng phát thải carbon thấp về bằng 0.
Hiện nay tại Việt Nam hiện đã có một số “tour xanh” đang được các đơn vị lữ hành triển khai trên cả nước, như: Tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai...
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, "Net Zero tour" là khái niệm liên quan đến việc tổ chức các chuyến du lịch mà trong đó mọi hoạt động từ vận chuyển, lưu trú, ăn uống và những hoạt động khác đều hướng đến giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon đưa ra môi trường. Điều này có nghĩa là mọi lượng khí thải carbon phát sinh trong quá trình du lịch sẽ được tính toán cẩn thận và bù đắp qua các biện pháp như trồng cây, sử dụng năng lượng tái tạo, dự án giảm phát thải khác... nhằm đạt được cân bằng.
Ngọc Hà