Hậu Giang: Phát huy tiềm năng “du lịch đỏ”

Cập nhật: 21/10/2024
Ngoài có tiềm năng về “du lịch xanh”, Hậu Giang còn có một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đang được bảo tồn và phát huy, khai thác và phát triển “du lịch đỏ”.

Hậu Giang: Phát huy tiềm năng “du lịch đỏ” - Ảnh 1.

Di tích lịch sử - văn hóa luôn là điểm về nguồn để giáo dục truyền thống, hun đúc lòng yêu nước, tình yêu quê hương, xứ sở cho tuổi trẻ. Thiết kế: Bảo Nam

Hệ thống di tích phong phú

Hậu Giang hiện có 17 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Những năm qua, hệ thống các di tích luôn được quan tâm đầu tư, duy tu, sửa chữa để nâng cấp, nâng chất hoạt động, tạo điều kiện để đón tiếp các đoàn khách tham quan, các chuyến về nguồn của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh...

Mỗi di tích lịch sử - văn hóa là nơi ghi lại bằng tư liệu, hình ảnh, hiện vật dấu ấn của một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, quân và dân Khu 9, Hậu Giang nói riêng trong cuộc chiến tranh giữ nước. Đó là chiến công hiển hách tiêu diệt 74 lượt tiểu đoàn địch, của quân và dân Khu 9, góp phần quan trọng cho quân dân miền Nam làm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là Chiến thắng Tầm Vu thời kháng Pháp vang danh đã đi vào thơ, nhạc...

Những ai muốn tìm hiểu về vùng đất Vị Thanh, nơi nổi tiếng thời chống Mỹ với Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Tội ác của bọn Mỹ - Diệm với người dân ở vùng đất này vẫn còn được lưu trữ đầy đủ tại Di tích lịch sử - văn hóa Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Ai muốn tìm hiểu về tấm lòng của người dân Long Mỹ nói riêng, Hậu Giang nói chung với Bác và nghe nhiều câu chuyện kể cảm động, sẽ được lưu lại tại di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Bác Hồ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ...

Phát triển “du lịch đỏ”

Tìm về những nơi này cũng là cách để tìm về nguồn cội, tìm về với truyền thống lịch sử của dân tộc, để hiểu những chiến công của ông cha năm xưa đã đổi bằng máu xương, để hôm nay chúng ta có được độc lập tự do. Tìm về cũng là cách để mọi người hun đúc lòng yêu nước, tình yêu quê hương, xứ sở. Để thấy rõ hơn, sâu sắc hơn trách nhiệm của bản thân, trước những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, để ra sức học tập và rèn luyện, góp sức xây dựng quê hương Hậu Giang phát triển xứng tầm. Đặc biệt, với những người trẻ, nhu cầu tìm hiểu về lịch sử càng có giá trị, giúp họ hiểu và thêm yêu quê mình hơn.

Đây chính là lợi thế để Hậu Giang có thể khai thác hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là lực lượng chiếm số lượng rất đông là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên... Những năm qua, nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa cũng được tỉnh chọn tổ chức tại một số điểm di tích lịch sử - văn hóa, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham dự.

Tại các sự kiện chính trị, văn hóa thường niên, Bảo tàng tỉnh phối hợp tổ chức triển lãm ảnh, hiện vật để phục vụ người dân. Bảo tàng tỉnh còn lập kênh YouTube, để quảng bá các điểm di tích lịch sử - văn hóa dưới hình thức xây dựng video...

Đặc biệt, Hậu Giang đã quan tâm đầu tư, tôn tạo, nâng chất, nâng cấp hệ thống các di tích với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống này, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến cải tạo không gian phù hợp, không chỉ thể hiện sự trang nghiêm trân trọng lịch sử, phải hài hòa, kiến tạo không gian xanh và nhất là phải có đủ các hạng mục cần thiết, vừa tạo điểm nhấn, vừa xây dựng một điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch…

Đó là những sự quan tâm cần thiết để những di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy giá trị, góp phần tạo động lực cho kinh tế, xã hội, giáo dục truyền thống, xây dựng tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Hậu Giang hôm nay và mai sau.

Vĩnh Trà

Nguồn: Báo Hậu Giang - baohaugiang.com.vn - Đăng ngày 18/10/2024