Thành phố Cao Bằng là “Điểm dừng chân tiện ích” của hầu hết du khách khi đến với Cao Bằng, có vị trí thuận lợi để kết nối với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, liên thông các chương trình du lịch biên giới và các điểm đến của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Mới đây, Thành phố triển khai xây dựng 3 tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá thành phố Cao Bằng, mở rộng cánh cửa để thu hút khách du lịch đến với Thành phố “Tam giang”.
Đến Cao Bằng, du khách có thể tham gia tour du lịch trải nghiệm thành phố Cao Bằng với hành trình khám phá “Thành Mục Mạ về đêm”. Trong khoảng thời gian 2 giờ, từ điểm đón du khách, hành trình sẽ đưa du khách đến Di tích Quốc gia Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang và Phố đi bộ Kim Đồng, phường Hợp Giang.
Mục Mạ (Mục Mã) là tên gọi xưa ở Thành phố ngày nay. Lịch sử ghi lại: Sau khi nhà Lê - Trịnh đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng năm 1677, chính quyền phong kiến cho xây dựng phố Mục Mã (phường Hợp Giang) là bán đảo rộng hơn 1 km2, có ba phía giáp sông thành trấn, tỉnh lỵ và chuyển các dinh sở về đây, lấy Mục Mã làm trung tâm quản lý hành chính và trấn thủ quân sự. Thế kỷ 18 - 19, triều Lê và triều Nguyễn xây hai thành cổ bằng đất đắp phòng thủ quân sự. Khi còn là phủ Cao Bằng, nhà Lê cho xây thành “Mục Mã trấn dinh” hình đế giày bằng đất, đắp từ chân dốc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện nay đến Nước Giáp, chu vi hơn một cây số, có bảy cổng ra vào. Thời gian đầu, người dân đến sinh sống lập nghiệp ở hai bên bờ sông Hiến gọi là phố Mục Mã (Phố Cũ). Quan lại dưới xuôi lên nhậm chức có kỳ hạn ở phố Cam Mỹ (Vườn Cam và Nước Giáp). Đầu mối giao thông đường thủy, có người Hoa đến giao thương tấp nập trên bến, dưới thuyền ở sông Bằng gọi là phố Lương Mã - Phố Thầu, nay là phố Kim Đồng.
Đến triều Nguyễn, thành “Mục Mã trấn dinh” được thay bằng thành “Cao Bằng tỉnh thành” nhỏ hơn, có hình chữ nhật dựa trên sáp nhập khu dinh Đốc trấn, dinh Đốc đồng, dinh quan giám hộ. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta năm 1858, Cao Bằng bị Pháp đánh chiếm, phố Mục Mã vẫn là trung tâm hành chính.
Phố Mục Mã xưa, nay đã nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn tên gọi xưa. Mỗi tên đường, phố đều mang đậm dấu ấn lịch sử. Phố Thầu xưa nay có 2 mặt, mặt bên đường chính mang tên Phố đi bộ Kim Đồng, mặt sau sát bên bờ sông Bằng mang tên Phố đi bộ ven sông Bằng. Đây là phố sầm uất nhất Thành phố về hoạt động thương mại, dịch vụ. Phố Vườn Cam, Nước Giáp, Phố Cũ nằm quanh bờ sông Hiến, sông Bằng được xây dựng nhiều nhà cao tầng khang trang.
Phố Thầu xưa tấp nập trên bến, dưới thuyền, nay là phố Kim Đồng - phố sầm uất nhất Thành phố về hoạt động thương mại, dịch vụ.
Để bắt đầu tham gia tuyến trải nghiệm, du khách có thể liên hệ xe điện, taxi hoặc thuê xe máy ở Thành phố. Điểm đầu tiên trong hành trình “Thành Mục Mạ về đêm”, du khách sẽ tới Di tích Quốc gia Kỳ Sầm, tọa lạc trên một quả đồi thấp, sát chân núi Khau Sầm thuộc Bản Ngần, xã Vĩnh Quang. Ngôi đền thờ nhân vật lịch sử, danh tướng Nùng Trí Cao XI (1025 - 1053), dưới triều vua Lý Thái Tông. Nùng Trí Cao sinh năm 1025, là con của Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh châu Thảng Do. Ngay từ thuở thiếu thời, Nùng Trí Cao là một cậu bé khỏe mạnh, đẹp trai, hiếu động, thông minh lạ thường, học giỏi chữ nghĩa, võ nghệ. Là một viên tướng trẻ ý chí kiên cường, quyết tâm cao, nhiệt huyết, võ nghệ xuất chúng, quân sự tài năng, thao lược, nhạy bén về chính trị, ngoại giao; hơn nữa, Nùng Trí Cao còn là một thủ lĩnh tinh thần nhân văn, đi đến đâu đều được nhân dân quý mến. Cuộc đời và sự nghiệp của Nùng Trí Cao trong tâm thức nhân dân như một huyền thoại sống động, mạnh mẽ, can trường đầy khí phách của một vị dũng tướng miền biên ải đã đi vào từng câu chuyện dân gian, từng trang sách truyện và lịch sử nước nhà. Là người con của dân tộc Tày ở Cao Bằng, nhưng đều được các dân tộc thiểu số như Nùng, Cơ Lao, La Chí… trân trọng coi đây là thủy tổ của mình. Đặc biệt, phạm vi ảnh hưởng của viên tướng trẻ danh tiếng Nùng Trí Cao được lan tỏa đến các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước ta và các nước láng giềng Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… Những nơi Nùng Trí Cao đi qua đều được nhân dân dựng đền thờ ghi nhớ công ơn của ông. Nùng Trí Cao còn được coi là một vị thần nông linh nghiệm, coi sóc ruộng đồng, mùa màng được thể hiện qua các bài cúng tế. Để tưởng nhớ ơn đức của Nùng Trí Cao, nhà Lý đặc chiếu sắc phong Nùng Trí Cao là Khâu Sầm Đại Vương và lập đền thờ tại thôn Bản Ngần, nay thuộc xóm 9, xã Vĩnh Quang.
Đây là một trong những ngôi đền được nhân dân xây dựng từ lâu và trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần, có quy mô lớn vào bậc nhất trong các loại hình đền, chùa, miếu ở Cao Bằng. Tại đây, du khách có thể tự tìm hiểu hoặc đăng ký với ban quản lý để cử hướng dẫn viên giới thiệu về lý lịch di tích, thân thế, sự nghiệp của nhân vật lịch sử Nùng Trí Cao - danh tướng miền biên ải và các nhân vật thờ tự trong đền; dâng hương danh tướng Nùng Trí Cao, vãn cảnh, chụp ảnh lưu niệm.
Sau khi vãn cảnh đền Kỳ Sầm, hành trình “Thành Mục Mạ về đêm” sẽ đưa du khách di chuyển về trung tâm thành phố Cao Bằng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, trung tâm kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh; diện tích tự nhiên 107,12 km2, quy mô dân số gần 80.000 người. Thành phố là đất địa linh, nhân kiệt, đến nay vẫn còn lưu giữ quần thể di tích, thành quách, đền chùa, miếu mạo... Mỗi địa danh đều ghi đậm dấu tích lịch sử; đến với mỗi di tích, mỗi địa chỉ đỏ, du khách như được “chạm tay” vào lịch sử, trải nghiệm để hiểu hơn về một thời hào hùng, để thắp thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố Cao Bằng) thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao.
Ngoài đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao, xã Hưng Đạo có thành Bản Phủ, di tích cự thạch, cánh đồng Tổng Chúp, guốc đá, giếng Bó phủ… từ thời Thục Phán (thế kỷ 3 trước công nguyên). Tại đây còn nhiều di tích thời nhà Mạc lên Cao Bằng trị vì hơn 80 năm (1593 - 1677), như: thành nhà Mạc, chợ Háng Séng, Trường Quốc học, kế tiếp là thành Nà Lữ, chùa Đống Lân, Đà Quận, Viên Minh... Cùng với thờ Nùng Trí Cao, nhân dân Thành phố lập đền Bà Hoàng ở phường Sông Bằng thờ A Nùng là mẹ của Nùng Trí Cao. Bà được tôn thờ là “thần gia súc”, nhân dân mở hội vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Tại Phố Cũ có miếu Quan đế - chùa Phố Cũ. Miếu Quan đế thời kỳ đầu thờ Quan Vân Trường - nay thờ Phật, xây dựng từ năm 1679. Chùa Phố Cũ còn là di tích lịch sử cách mạng, ghi công lao của các nhân vật có công với nhân dân, trấn ải biên thùy và đóng góp của nhân dân xây dựng chùa. Ở Thành phố còn có nhiều di tích về Bác Hồ. Pháo đài (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) - nơi Bác Hồ quan sát toàn cảnh thành phố Cao Bằng năm 1950, sau ngày 3/10/1950 Cao Bằng được giải phóng. Di tích miếu Khau Roọc, phường Đề Thám, tháng 3/1951, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ tỉnh và xã Đề Thám, phổ biến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Phố Vườn Cam, trụ sở Tỉnh ủy Cao Bằng - nơi Bác Hồ ở và làm việc ngày 19/2/1961, thăm và chúc Tết các dân tộc tỉnh Cao Bằng sau 20 năm xa cách. Sân vận động Cao Bằng, phố Vườn Cam, sáng 21/2/1961, Bác Hồ dự cuộc mít tinh nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Cao Bằng...
Chị Nguyễn Thu Thủy, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đến mỗi địa phương, ngoài tìm hiểu về con người, phong cảnh, đời sống kinh tế - xã hội, tôi muốn tìm hiểu ở đó có “điểm nhấn” gì trong đời sống văn hóa, phong tục, tập quán. Đến thành phố Cao Bằng, tôi rất ấn tượng và đã tìm hiểu để hiểu rõ hơn về vùng đất này. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái, vẻ đẹp trời ban, nhiều vùng đất nổi tiếng của Thành phố được lưu truyền trong dân gian gắn với nhân vật hào kiệt và di tích, trở thành điểm đến thu hút du khách xa gần.
Mục Mã xưa, Thành phố nay cuộc sống yên bình, tươi vui. Nếu trước đây sông Bằng, sông Hiến bao quanh Thị xã, thì nay thành phố Cao Bằng ôm trọn sông Hiến, sông Bằng vào lòng; dòng sông thơ mộng, hiền hòa, tô điểm cảnh sắc quê hương thanh bình, trù phú. Mỗi tên đường, tên phố và mỗi di tích là một dấu ấn lịch sử nối từ truyền thống lịch sử đến hiện đại. Đó là niềm tự hào về sự hội tụ tinh hoa văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và nhân dân Thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển. Cảm nhận cội nguồn trong hiện hữu hôm nay, để cùng nhau lắng nhịp tim mình trong mạch nguồn văn hóa dân tộc, cùng bồi hồi theo làn điệu dân ca quen thuộc với lời mời gọi thiết tha du khách bốn phương “Cùng anh đi trảy nước non Cao Bằng”.
Bài 2: Hành trình “Khám phá tam giang”
Minh Đức