Mô hình “Du lịch Quảng Ninh nói không với sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật” sẽ nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh khi thu hút thêm nhiều khách du lịch có ý thức bảo vệ thiên nhiên, đồng thời góp phần tích cực vào các nỗ lực bảo tồn các loài hoang dã.
Bà Vũ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, Chủ tịch Chi hội Khách sạn Quảng Ninh, phát biểu tại lớp tập huấn.
Ngày 21/10, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (MBFP) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho 80 hướng dẫn viên du lịch, đại diện các đơn vị của Quảng Ninh.
Nội dung tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng cần thiết, trang bị kiến thức toàn diện về những tác động tiêu cực của việc buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển của ngành du lịch; cung cấp thông tin những rủi ro pháp lý liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp đối với hướng dẫn viên du lịch; hướng dẫn kỹ năng thông tin, xử lý yêu cầu liên quan đến mua, bán sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp từ khách du lịch mà vẫn không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Vũ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, Chủ tịch Chi hội Khách sạn Quảng Ninh, khẳng định: “Bằng cách trang bị cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi các kỹ năng và công cụ cần thiết liên quan đến du lịch có trách nhiệm gắn liền với bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, chúng tôi đang góp phần tạo ra những sứ giả tiên phong hướng khách du lịch trong nước và quốc tế tới những thực hành du lịch bền vững không mua, bán các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật, ví dụ như ngà voi. Việc triển khai Mô hình “Du lịch Quảng Ninh nói không với sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật” sẽ nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh khi thu hút thêm nhiều khách du lịch có ý thức bảo vệ thiên nhiên, đồng thời góp phần tích cực vào các nỗ lực bảo tồn các loài hoang dã”.
Các hướng dẫn viên tích cực tham gia buổi tập huấn. (Ảnh: USAID).
Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp Trung ương, Ban Quản lý các Dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: "Mô hình Du lịch Quảng Ninh nói không với sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật là minh chứng cho vai trò quan trọng của sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết những thách thức về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp. Hướng dẫn viên du lịch, một trong những đối tượng quan trọng của ngành du lịch, là những người truyền tải thông điệp cũng như định hướng du khách nói không với các hành vi mua, bán động vật hoang dã trái pháp luật. Hiểu đúng và làm trúng cần bắt đầu từ nhận thức chủ động của từng hướng dẫn viên. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng nhân rộng mô hình này để tạo một mạng lưới toàn quốc chung tay nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp gắn liền với phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững".
Sở Du lịch Quảng Ninh và Hiệp hội du lịch Quảng Ninh kỳ vọng các học viên tham gia sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp gắn liền với phát triển du lịch bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Mô hình “Du lịch Quảng Ninh nói không với sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật”, đồng thời nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn của Quảng Ninh đối với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Bà Đỗ Thị Nhàn, hướng dẫn viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, một hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm đến từ thành phố Hạ Long, đã bày tỏ sự hào hứng về khóa tập huấn: “Khóa tập huấn này giúp tôi hiểu và thực hành các kỹ năng, công cụ cần thiết và có đủ sự tự tin để chủ động tham gia góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp trong chính công việc hàng ngày của mình. Tôi rất vui khi có thể truyền đạt một cách hiệu quả các thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp tới du khách và thực hiện các hành động cụ thể nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã này”.
Chương trình tập huấn nói trên nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện, hỗ trợ các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã./.
Song Anh