Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, độ cao trung bình từ 1.000 - 1.600m so với mặt nước biển. Cho đến nay, Đồng Văn hầu như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, với nhiều giá trị về địa tầng, địa chất, động thực vật, giàu tiềm năng khoáng sản… Đặc biệt, đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng sinh sống.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Bãi đá Mặt trăng, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Ảnh: PV
Trở lại Đồng Văn lần này, tôi dành thời gian cảm nhận phố cổ chầm chậm vào đêm. Những ngọn đèn đường lung linh trong màn sương mờ ảo. Khoảng 21h tối, phố huyện trở nên vắng vẻ, đêm cao nguyên nồng nàn trong men rượu bắp, hương thơm từ cánh rừng Mã Lủ theo gió dìu dịu… Ngắm Đồng Văn trong đêm, tôi biết có thể rất lâu nữa mới tìm được cảm xúc nhiều đến thế. Lên với cao nguyên đá Đồng Văn là lên với vùng đá cổ, vùng đá mẹ đã làm nên địa đầu Tổ quốc và hình hài đất nước. Bởi vậy ở đây, đá như có số phận, đá như có linh hồn. Với Đồng Văn, hành trình một đời người, hành trình một cộng đồng gắn liền với đá. Một sinh linh bé nhỏ ra đời, núm ruột hồng vùi vào trong đá. Nhà dựng trên đá có bờ rào đá bao bọc. Trai gái yêu nhau, lại ngồi trên đá thổi kèn lá dưới ánh trăng khuya. Trẻ em muốn khỏe mạnh thông minh, gia đình dâng lễ vật cầu thần rừng che chở, phù hộ. Khi con người về với tổ tiên cũng được đá bao bọc. Đá làm nên cuộc sống, để mỗi cây ngô cũng mọc lên từ hốc đá. Rồi các lễ hội truyền thống, những phiên chợ quanh năm rực rỡ, nồng nàn được mở ra trên đá… Giả dụ nếu không có đá, có lẽ lại khó có thể hình dung về người và đất Đồng Văn.
Đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc dốc và gập ghềnh, nhiều cua tay áo. Dù đã nhiều lần đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng - “sống mũi ngựa”, tôi vẫn không khỏi kinh ngạc sự kỳ vĩ của nó. Cách đây hàng trăm năm, có nhà khoa học người Pháp đến đây đã phải ngả mũ vái chào và thốt lên: “Một tượng đài địa chất”. Núi non Mèo Vạc chia cắt mạnh, thiên nhiên khắc nghiệt. Lúc nắng gió, lúc băng giá, vậy mà câu dân ca gập ghềnh, dài như bếp lửa khuya vẫn được người cao tuổi kể cho con cháu rằng: Con chim có tổ - Người Mông ta có quê - Quê ta là Mèo Vạc… Cũng là cách truyền lửa ấm cho thế hệ sau, giữ lấy tình yêu thương cộng đồng.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm Nhà của Pao.
Cao nguyên đá Đồng Văn gắn liền với những cổng trời. Theo quốc lộ 4C ngược lên phía Bắc, thử sức đầu tiên với con người là đèo Bắc Sum. Hết con đèo này sẽ chạm vào đất Quản Bạ. Cổng trời Quản Bạ, còn gọi là cổng Thiên Đàng bốn mùa gió núi, mù sương, nhiệt độ trung bình 20 - 23 độ C, mát mẻ quanh năm, có thể so với Sa Pa, Đà Lạt… Qua sông Tráng Kìm ghềnh thác là gặp cổng trời Cán Tỷ đầy thách thức về chiều dài và mức độ hiểm trở. Từ ngã ba Viềng - Yên Minh, cao nguyên đá mới thật sự ấn tượng, choáng ngợp. Đá phơi bày không giấu giếm với tất cả dáng vẻ và sự kỳ vĩ của nó. Đá trải dài cuồn cuộn như không có điểm dừng. Những đỉnh núi trần trụi xám lạnh chĩa lên trời nhọn hoắt. Qua cổng trời Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, cổng trời Sà Phìn đột ngột xuất hiện như trong câu chuyện kỳ bí. Vùng đá kéo qua di tích nhà họ Vương, qua Pải Lủng, Mã Pì Lèng… Cả một vùng núi dữ dội. Những nương đá, rừng đá, vách đá nối tiếp mê mải… Một du khách nước ngoài từng so sánh cao nguyên Đồng Văn cùng sắc màu y phục, đồ trang sức của phụ nữ nơi đây và quả quyết: Sức hấp dẫn của nó không hề thua kém Vịnh Hạ Long.
Cao nguyên đá Đồng Văn, diện mạo và tầm vóc của vùng đất như ngời lên trong câu thơ: “Tổ quốc nơi đây tượng hình từ đá/Từ bếp lửa khuya chưa tắt bao giờ/Tôi thấm hết nghĩa tình nơi cực Bắc/Để lòng mình không thẹn trước hoa Lê”. Cao nguyên đá Đồng Văn cùng với những hình ảnh khác như vịnh Hạ Long trên cạn sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, mở ra cơ hội biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.
Bút ký: Cao Xuân Thái