Hành trình in dấu chân trên bản đồ du lịch của cá nhân có những con đường không đo bằng độ rộng dài, nhộn nhịp phố thị hay thưa thớt nhà cửa mà đo bằng nỗi nhớ, khiến tim mình thôi thúc và muốn nhấc chân đến thêm nhiều lần nữa...
Nhắc đến Đắk Lắk, sẽ có bao điều để nói về vẻ huyền bí của xứ sở này, của đại ngàn chuếnh choáng men say, nhưng cũng có không ít người “say” nơi đây từ những con đường rợp bóng cây xanh… Bao nhiêu nơi đã đến, bao nhiêu điều lưu luyến khó mà kể hết khi một ai đó rời xa nơi này, về xem lại những tấm ảnh có hàng cây xanh mướt nhuộm cả bầu trời trong cao. Bao nhiêu người đến rồi đi, ghé lại chụp vài tấm ảnh kỷ niệm và thời gian đã lưu lại thành ký ức, như một hình thức của di sản văn hóa trong lòng du khách.
Du lịch Đắk Lắk có nhiều cung đường để nhớ. Nhưng có một điều thú vị lạ lẫm là những con đường này có khi chỉ ngắn thôi nhưng là nỗi nhớ kéo dài. Màu xanh của những cung đường với hai hàng cây cao rợp bóng mát tạo thành một phần cảnh quan, làm du khách thấy hài lòng và… nhớ Buôn Ma Thuột nhiều hơn. Với những ai yêu thiên nhiên thơ mộng, không thể không một lần bước đến, chụp vài tấm ảnh để ghi lại sự đẹp, lưu lại sự nhớ, nếu có cơ hội.
Đầu tiên, phải kể đến con đường xiêu gió bạt ngàn: Đam San, dài khoảng 800m, tuyến đường dẫn từ sân bay nối ra Quốc lộ 27, xã Hòa Thắng về trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Mỗi ngày có biết bao chuyến xe ngược xuôi đón đưa hành khách nhưng chỉ có hàng cây sao đen cổ thụ hai bên đường là vẫn đứng đó bao năm, vươn tán xanh mãi suốt bao mùa, gây ấn tượng với bao người. Những cây sao đen có chiều cao hàng chục mét, tán rộng che mát cả con đường, cành lá còn vươn xòe, nghiêng qua che mát cả những ngôi nhà bên dưới. Nhất là những buổi trưa trong tiết trời nóng ran của mùa khô Tây Nguyên, nắng trải thảm nhưng chạy xe ngang qua con đường có cây xanh đổ bóng mát này, tận hưởng ngọn gió mát rượi, chỉ cần có thế, lòng đã rộn rã niềm vui.
Đã nhiều lần đón đưa bạn bè từ các tỉnh, thành phố đến với phố núi Ban Mê, từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột về trung tâm thành phố, đa phần đều háo hức yêu cầu tạt xe vào lề, bước xuống hít hà bầu không khí trong lành, khoan thai tản bộ và nhất định phải chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Đi trong bát ngát màu xanh của cây lá, thi thoảng giẫm chân lên lá vàng khô rơi rụng giòn tan, chúng bạn khúc khích cười bảo: đây đích thị là đoạn đường có hàng cây cổ thụ đẹp nhất Tây Nguyên!
Tuyến đường Đam San, nối từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột về trung tâm thành phố rợp bóng cây xanh.
Nhắc đến con đường xanh trong lòng phố, không thể không nhắc đến đường Phan Đình Giót gây thương nhớ, thổn thức cho bao người, góp thêm một không gian xanh mang dấu ấn của phố núi, in dấu Ban Mê trong lòng du khách.
Độc đáo hơn ở chỗ đoạn đường này chỉ dài hơn 300m, có hàng me tây rợp bóng mát và không có bất cứ cửa hàng, cửa hiệu nào. Con đường mà đi vào lúc nắng hay khi trời mưa, lúc nào cũng thấy... ôi chao là đẹp! Ai đã từng thong thả tản bộ men theo con đường, hít bầu không khí trong lành, tận hưởng cái bao la của tán lá, nghe tiếng ve râm ran trên cành cây… thì không thể mảy may bỏ đi mà không chụp tấm ảnh nào. Vì thế, đây là địa điểm check-in thu hút nhiều du khách. Điểm check-in này còn thú vị hơn khi được lựa chọn làm phố đi bộ của TP. Buôn Ma Thuột và làm địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa các dân tộc của tỉnh. Tuyến đường Phan Đình Giót gần như hội đủ các yếu tố: đẹp, xanh, sạch, yên bình để du khách dạo chơi, thỏa thích ngắm nhìn kiến trúc của Bảo tàng Đắk Lắk hiện đại ngay bên cạnh.
Buôn Ma Thuột - thành phố đang căng tràn nhựa sống, đổi thay từng ngày nhưng nếu hỏi có điều gì khiến người ta lưu nhớ, vẫn không muốn đổi thay qua bao nhiêu tháng năm thì đó là màu xanh mướt của những con đường. Đây là kết quả của tầm nhìn xa chiến lược của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, thành phố trong nhiều thập kỷ qua, là minh chứng cho quá trình phát triển. Giữa lúc công cuộc đô thị hóa đang “đổ bộ”, chuyển mình gay gắt thì nỗ lực xây dựng thành phố có nhiều cây xanh, con đường xanh, không gian mở, sống xanh… trở thành nét tiêu biểu, đặc trưng của Đắk Lắk.
Những con đường mà lúc nào cũng phảng phất gió mát dưới tán cây, không phải mỗi mùa một loại hoa, nhưng biết tỏa hương sắc, khiến người ta “cuồng chân” đến để hít hà nguyên khí đất trời bơm căng lồng ngực, thấy lòng yên tĩnh đến lạ. Đó là cảnh quan, điểm nhấn của vùng đất này, đáp ứng yêu cầu tận hưởng không khí trong lành của du khách, tạo ra không gian “cộng cảm” giữa con người với thiên nhiên.
Trâm Anh