Cơ hội để thúc đẩy du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học của Quảng Nam trải rộng từ trên rừng xuống biển.
San hô ở Cù Lao Chàm là tài nguyên quý để thúc đẩy du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Q.T
Tiềm năng bỏ ngỏ
Thông tin từ Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam 2023, tài nguyên tự nhiên là một trong những nhóm chỉ số mà Quảng Nam có thế mạnh so với bình quân chung cả nước, thậm chí có số điểm vượt trội. Điều này phản ánh phần nào giá trị “kho báu” hệ sinh thái tự nhiên mà Quảng Nam đang sở hữu.
Nhưng các giá trị đa dạng sinh học ở Quảng Nam nhìn chung chưa “hái ra tiền” từ du lịch. Tour phổ biến nhất được khai thác tương đối hiệu quả lâu nay là lặn ngắm san hô ở Cù Lao Chàm.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa thể gọi là du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học đúng nghĩa. Cái khó của doanh nghiệp khai thác là khách nội địa hầu hết chỉ muốn lặn ngắm vẻ đẹp của san hô. Thậm chí một số khách cũng chỉ đi cho biết chứ không đủ thời gian hoặc sức khỏe để ở lâu dưới biển.
Năm 2023, tại Cù Lao Chàm mới tổ chức tour du lịch xanh thí điểm có gắn với một số hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, mở rộng phạm vi toàn khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, một số hoạt động du lịch sinh thái dựa trên giá trị đa dạng sinh học cũng còn khá đơn điệu, chưa lồng ghép yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học, vẫn tiềm ẩn những rủi ro tác động tiêu cực lên hệ sinh thái đặc trưng của khu sinh quyển.
Báo cáo kết quả giám sát san hô, thảm cỏ biển ở Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An với sự tư vấn của Viện Hải Dương học qua các năm 2008, 2014, 2017 và mới nhất là 2024 cho thấy san hô bị tẩy trắng và bị sao biển gai ăn rất nhiều.
Bãi Sậy - Sông Đầm (Tam Kỳ) có tính đa dạng sinh học cao nhưng chưa thu hút khách du lịch thường xuyên. Ảnh: Q.T
Thời gian qua, một số khu vực có tiềm năng lớn để phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học đã và đang được đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy loại hình này như: Cẩm Kim (Hội An), Bãi Sậy - Sông Đầm (Tam Kỳ), Tam Hải, Tam Mỹ Tây (Núi Thành), quần thể rừng di sản pơ mu (Tây Giang)…
Tuy nhiên, để trở thành tour tuyến hấp dẫn, đón khách thường xuyên thì vẫn bỏ ngỏ vì nhiều lý do. Nguyên nhân phổ biến là ở những khu vực gần trung tâm du lịch thì yếu tố đặc trưng của đa dạng sinh học chưa cuốn hút còn một số khu vực sở hữu “giá trị riêng có” với quần thể động, thực vật đặc trưng thì lại nằm tách biệt, thiếu nhiều điều kiện cơ bản để làm du lịch.
Hài hòa giữa phát triển và bảo tồn
Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học được định vị là một nội dung trong Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam đến năm 2030.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, bên cạnh việc tiếp tục phát huy các giá trị sinh thái biển - đảo (Cù Lao Chàm - Hội An, Tam Hải - Núi Thành), rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh - Hội An)... các khu vực khác cần tập trung phát triển loại hình này gồm: Vườn quốc gia Sông Thanh, vùng sâm Ngọc Linh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu bảo tồn Voọc chà vá chân xám (Núi Thành)...
Quần thể voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây (Núi Thành) đang sinh trưởng tốt.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, chưa có nhiều nhà đầu tư dấn thân để cùng người dân địa phương khai thác, đưa các khu vực tiềm năng trên trở thành sản phẩm có tính cạnh tranh, phục vụ du lịch.
Thời gian qua, các bên liên quan cũng đã tổ chức nhiều đợt famtrip, khảo sát để khai mở điểm đến nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực vẫn còn nhiều khoảng trống.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học bài bản, giảm tối đa tác động môi trường không hề dễ dàng. Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao thường dễ tổn thương trước những can thiệp xã hội và rất khó để hồi phục về nguyên trạng, một khi bị suy thoái. Thận trọng trong các đánh giá, khảo sát du lịch để tạo ra sự hài hòa trong phát triển và bảo tồn là điều đặt ra.
Ông Phạm Hồng Tiến - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển du lịch K’lang Adventure (đơn vị đang khai thác các tour trekking khám phá thiên nhiên tại huyện Tây Giang) cho hay, nhiều đơn vị lữ hành quốc tế đặt vấn đề rằng khai thác du lịch gắn với rừng của đơn vị có thực sự bảo vệ thiên nhiên? Và trong suốt quá trình khai thác liệu có gây tác động xấu đến môi trường từ hoạt động du lịch hay không?
“Sau khi đơn vị chứng minh được vấn đề này thì cơ hội hợp tác, thực hiện hợp đồng về tour tuyến khá rộng mở. Ngoài ra, hoạt động này cần chú ý gắn với việc cải thiện sinh kế người dân địa phương (hầu hết lao động của đơn vị là đồng bào Cơ Tu) thì mới có thể phát triển bền vững” - ông Phạm Hồng Tiến chia sẻ.
Quốc Tuấn