Du lịch TP Hồ Chí Minh: Xanh hóa điểm đến, sống động trải nghiệm

Cập nhật: 31/10/2024
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển vượt bậc từ sau đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của thành phố, nhất là trong các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025. Du lịch thành phố không ngừng định vị thương hiệu, trở thành điểm đến xanh, thân thiện, sống động trên mỗi hành trình đối với du khách.

Tăng trưởng tích cực từ những “luồng gió mới”

Những ngày cuối tháng 10-2024, hơn 5.000 khách quốc tế mang quốc tịch châu Âu, Hoa Kỳ, Australia... đã đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Các đoàn khách đến từ hai tàu du lịch biển, gồm tàu Quantum of the Seas và tàu Celebrity Millennium được Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist (Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn-TNHH MTV) phục vụ. Khách trên các tàu tham quan những công trình, di tích nổi bật như: Hội trường Thống Nhất (di tích Dinh Độc Lập), Bưu điện, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Nhà thờ Đức Bà...; trải nghiệm các hoạt động văn hóa, giải trí, mua sắm.

Khách du lịch quốc tế tham quan trung tâm TP Hồ Chí Minh. 

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông, Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, 10 tháng năm 2024, công ty đã đón các tàu du lịch biển quốc tế lớn đến TP Hồ Chí Minh, Việt Nam tham quan, trải nghiệm. Nhờ chiến lược phục hồi hiệu quả, du lịch TP Hồ Chí Minh đang ngày càng hấp dẫn. Chương trình “TP Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh city” đã thu hút du khách thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đến với Thành phố mang tên Bác.

Thành phố cũng triển khai Chương trình “TP Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - nghệ thuật, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm), du lịch y tế, du lịch golf. Tiêu biểu như:  “Ngày bình yên trên vùng đất thép”; “Lắng nghe hơi thở của rừng”; “Thành phố xanh bên dòng sông Sài Gòn”; du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ); du lịch đêm “Trăng chiến khu” (huyện Củ Chi). 

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (thương hiệu buýt đường sông Saigon Waterbus) cho biết: “Khách du lịch rất thích khám phá TP Hồ Chí Minh từ góc nhìn trên sông Sài Gòn. Những sản phẩm du lịch đặc trưng như buýt đường sông, đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mô hình trên bến dưới thuyền... cho thấy thành phố có dư địa rất lớn để tạo nên thương hiệu du lịch riêng, mang đến ấn tượng khó quên”.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh được biết đến là địa phương của lễ hội - sự kiện, đô thị sống động về đêm. Nhiều lễ hội đặc trưng đã phát huy thế mạnh du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thành phố như: Lễ hội Tết Việt, lễ hội sông nước, lễ hội áo dài, ngày hội du lịch... Cùng với các hoạt động xúc tiến trong nước, ngành du lịch thành phố đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại thị trường quốc tế như: Hoa Kỳ, Đức, Singapore, Đông Nam Á, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh trên bản đồ du lịch thế giới. Từ đó, đông đảo du khách quốc tế đã lựa chọn Việt Nam - TP Hồ Chí Minh là điểm đến an toàn, thân thiện, đầy sống động.

Du lịch xanh, liên kết bền vững

Tại lễ trao Giải thưởng du lịch MICE thế giới năm 2024 mới đây, TP Hồ Chí Minh xuất sắc chiến thắng ở cả 3 hạng mục quan trọng gồm: Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á, điểm đến về du lịch khen thưởng hàng đầu châu Á và triển lãm thương mại tốt nhất châu Á. Các giải thưởng đã khẳng định TP Hồ Chí Minh vừa là điểm đến du lịch đặc sắc vừa định hướng phát triển thành phố trở thành điểm kết nối du lịch chính của khu vực châu Á.

Với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giải trí, du lịch, TP Hồ Chí Minh tổ chức xúc tiến du lịch mang tính chất liên kết và dựa trên đặc điểm của những phân khúc mục tiêu, chú trọng thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Tây Âu (Đức, Anh, Pháp...), Australia và Đông Nam Á. Song song với thu hút, kích cầu du lịch, thành phố đã và đang quan tâm phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, hài hòa với các giá trị về văn hóa, xã hội và môi trường, nhằm tạo nên điểm khác biệt đối với du khách.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố triển khai 8 nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển ngành du lịch và phát triển 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch MICE, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Trong lộ trình thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững của Chính phủ, chuyển đổi xanh trở thành nội dung cốt lõi trong xây dựng chiến lược, quy hoạch đầu tư đến thiết kế tour, tuyến, điểm đến của ngành du lịch thành phố.

Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. 

Thời gian qua, các tour du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp trồng cây xanh, trải nghiệm đạp xe, dọn rác làm sạch môi trường... đã được tổ chức ngày càng nhiều tại TP Hồ Chí Minh. Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng được ngành du lịch thành phố định hướng trở thành một trong những điểm đến Net Zero (điểm đến trung hòa carbon). Cùng với đó, thành phố từng bước chuyển đổi xanh vào các sản phẩm du lịch, nhất là thực hiện phương châm mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng để tạo lực kéo cho chuỗi giá trị văn hóa, ẩm thực, thương mại cùng phát triển.

Điểm sáng thành công trong tăng trưởng du lịch TP Hồ Chí Minh thời gian qua chính là không đứng riêng lẻ mà luôn xác định liên kết vùng là chiến lược bền vững nhằm tạo ra sản phẩm liên vùng, liên tuyến theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”. Hiện nay, công chúng và du khách đang sôi nổi bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại TP Hồ Chí Minh và 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện quan điểm “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình” của du lịch TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước, tạo động lực nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để du lịch thành phố luôn hấp dẫn với du khách, cần giữ được văn hóa địa phương, nét riêng có của những điểm đến đặc trưng và sự phát triển của đô thị hiện đại. Thành phố kiên trì định hướng phát triển du lịch xanh, thúc đẩy hiệu quả tính liên kết trong và ngoài nước để đưa du lịch thành phố bứt phá thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa đạt gần 27,4 triệu lượt, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch 9 tháng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023. Với đà tăng trưởng tốt, ngành du lịch thành phố kỳ vọng sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra khi về đích năm 2024.

Bài và ảnh: Hồng Giang

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 31/10/2024