Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng, hấp dẫn, xứng tầm với vị thế đặc biệt của Kỳ quan - Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là nhiệm vụ cấp bách mà các ngành chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện.
Khách du lịch Trung Quốc trải nghiệm đi đò trên Vịnh Hạ Long.
Đa dạng trải nghiệm cho du khách
Trở lại Vịnh Hạ Long lần thứ 3, điều mà anh Nguyễn Trọng Cường (du khách TP Hồ Chí Minh) mong muốn được trải nghiệm chính là dịch vụ tàu nhà hàng trên vịnh. Anh chia sẻ: Mỗi lần đến Vịnh Hạ Long tôi đều sắp xếp đi vào các mùa khác nhau và trải nghiệm một loại hình dịch vụ khác. Khi xem những hình ảnh và phản hồi của du khách về dịch vụ tàu nhà hàng, ngắm hoàng hôn trên vịnh làm tôi rất tò mò và sắp xếp ngay công việc để trở lại Hạ Long. Quả nhiên, không gian thơ mộng của vịnh khi vào thu đã không khiến tôi thất vọng. Không những thế, tôi còn có cơ hội nghe nhạc, ngắm nhìn thần tượng trên chính con tàu nhà hàng này. Đây là những kỷ niệm mà tôi không thể quên.
Thực tế, dịch vụ tàu nhà hàng không còn xa lạ với du khách khi đến Hạ Long. Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2022 nhưng loại hình này đã được nhiều du khách yêu thích. Hiện có 4 doanh nghiệp với tổng số 4 tàu nhà hàng hoạt động tại khu vực ven bờ vịnh theo hành trình tham quan từ Cảng tàu khách Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đến dọc khu vực bờ biển của TP Hạ Long.
Cùng với hoạt động của tàu nhà hàng, dịch vụ vận chuyển khách tham quan trên Vịnh Hạ Long vẫn thu hút đông du khách, chiếm khoảng 97% lượng khách sử dụng dịch vụ trên vịnh. Hiện có 504 tàu du lịch đăng ký hoạt động, trong đó có 323 tàu tham quan, 177 tàu lưu trú, 4 tàu nhà hàng và 7 du thuyền khám phá. Số tàu này thuộc sở hữu của 258 công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể. Các tàu du lịch vận chuyển khách tham quan trên khu vực di sản Vịnh Hạ Long hoạt động theo 5 tuyến hành trình du lịch và neo đậu ngủ đêm tại 5 khu vực được công bố hoạt động theo quy định.
Khách du lịch tắm biển tại bãi tắm Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long.
Được biết, trên Vịnh Hạ Long hiện có 12 sản phẩm, dịch vụ du lịch đã và đang khai thác. Đối với các sản phẩm du lịch do Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long khai thác bao gồm 4 sản phẩm là sản phẩm tham quan, trải nghiệm các giá trị nổi bật toàn cầu về giá trị thẩm mỹ cảnh quan và giá trị địa chất - địa mạo của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long bằng tàu du lịch, tàu lưu trú và du thuyền khám phá. Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm đặc thù của di sản. Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long gồm có 8 hành trình tham quan du lịch. Ngoài ra, còn có các sản phẩm tìm hiểu, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các di chỉ khảo cổ; tắm biển tại bãi tắm Ti Tốp.
Sản phẩm trải nghiệm văn hóa làng chài của ngư dân trên Vịnh Hạ Long đã được triển khai tại khu vực Cửa Vạn và khu vực Vông Viêng để phục vụ khách du lịch trong nhiều năm qua, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn bị hư hỏng nặng, một phần đã bị chìm, còn lại toàn bộ hệ thống nhà bè tại khu vực Cửa Vạn bị chìm đắm. Hiện nay, sản phẩm trải nghiệm văn hóa làng chài của ngư dân trên Vịnh Hạ Long chỉ được duy trì tại khu vực Vông Viêng để phục vụ khách du lịch tham quan hành trình du lịch số 3.
Cùng với sản phẩm du lịch do BQL Vịnh Hạ Long quản lý, 8 sản phẩm, dịch vụ du lịch do các doanh nghiệp đang tổ chức khai thác gồm có: Dịch vụ nước giải khát và bán đồ lưu niệm do Công ty CP dịch vụ Vịnh Hạ Long tổ chức kinh doanh tại 11 điểm tham quan trên các tuyến tham quan Vịnh Hạ Long. Dịch vụ đò chèo tay có 6 đơn vị kinh doanh; dịch vụ chèo kayak có 10 đơn vị kinh doanh; dịch vụ xuồng cao tốc có 4 doanh nghiệp kinh doanh. Dịch vụ tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, xem biểu diễn chế biến hải sản do Công ty CP Đại Yên tổ chức kinh doanh tại vụng Cặp Táo hiện vẫn đang tổ chức kinh doanh. Riêng có dịch vụ tìm hiểu mô hình nuôi trai lấy ngọc, chế tác và bán trang sức ngọc trai (khu vực vụng Tùng Sâu, Vông Viêng) đang phải tạm dừng do thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2024, trên Vịnh Hạ Long phát triển 10 sản phẩm, dịch vụ du lịch, trong đó, BQL Vịnh Hạ Long đề xuất 2 sản phẩm, doanh nghiệp đề xuất 8 sản phẩm. Cụ thể, đối với sản phẩm do BQL vịnh đề xuất là dịch vụ vui chơi, giải trí tại khu vực Ba Hang, Tùng Sâu, Vông Viêng, Hang Cỏ, BQL Vịnh đã hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các vùng hoạt động. Đồng thời, phối hợp với UBND TP Hạ Long tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện hoạt động tại 4 khu vực nêu trên.
Còn sản phẩm du lịch văn hoá, Ban đang tập trung bổ sung, hoàn thiện khu trưng bày khảo cổ tại hang Tiên Ông và khoanh vùng, cắm biển khu vực hiện vật khảo cổ tại động Mê Cung. Cùng với đó, tổ chức truyền dạy hát giao duyên phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng chài trên Vịnh Hạ Long; triển khai sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn.
Bên cạnh việc chú trọng triển khai các giải pháp làm mới các sản phẩm du lịch hiện đang khai thác, BQL Vịnh Hạ Long cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát một số hang, động, tùng, áng, bãi cát tiêu biểu trên vịnh để nghiên cứu, thảo luận và thống nhất tham mưu UBND tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch, đặc biệt, hướng đến thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, như: Bãi tắm riêng, địa điểm tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hội nghị, tiệc cưới…
Gỡ khó cho các sản phẩm du lịch mới
Bên cạnh các sản phẩm đã trở thành thương hiệu, trên Vịnh Hạ Long còn có 3 dự án phát triển sản phẩm du lịch đã được UBND tỉnh giao và chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp triển khai thực hiện nhưng chưa đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch. Đó là: Dự án Đầu tư sản phẩm du lịch tuyến 4, Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long do Công ty CP du thuyền Đông Dương làm chủ đầu tư; Dự án Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim do Công ty TNHH MTV Soi Sim làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư và khai thác hang Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long do Công ty TNHH du thuyền Bhaya làm chủ đầu tư. Các dự án đều vướng mắc chung về thủ tục pháp lý liên quan đến Quy hoạch Vịnh Hạ Long, quy định về thủ tục giao khu vực biển và thủ tục giao đất, giao rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan.
Tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long là sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn.
Đối với 8 sản phẩm, dịch vụ du lịch do doanh nghiệp đề xuất và được UBND tỉnh định hướng đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan trong năm 2024, đến nay chỉ có 1/8 sản phẩm khả thi là sản phẩm “Tàu thủy tham quan, lưu trú du lịch hành trình Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long”. Do sản phẩm này đã được UBND tỉnh công bố các hành trình tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long ban hành Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 19/7/2024 của UBND tỉnh.
Đối với 7 sản phẩm còn lại cơ bản đều vướng mắc liên quan đến thủ tục giao khu vực biển, giao rừng đặc dụng tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt Vịnh Hạ Long. Một số cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý, bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long, quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa ban hành quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng du lịch (trong đó có mặt nước, mặt biển). Do đó, chưa có cơ sở để triển khai việc sử dụng tài sản công của BQL Vịnh Hạ Long vào mục đích cho thuê kết cấu hạ tầng du lịch.
Đội tàu chất lượng cao trên Vịnh Hạ Long.
Để tháo gỡ “nút thắt” này cũng như đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động, tháng 7 vừa qua, BQL Vịnh Hạ Long đã chủ trì, mời Sở Du lịch, UBND TP Hạ Long và 4 doanh nghiệp có liên quan để trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan đến việc phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, UBND TP Hạ Long thống nhất với các doanh nghiệp rà soát tính khả thi của các sản phẩm để đưa vào khai thác.
Theo Trưởng BQL Vịnh Vũ Kiên Cường, để tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới độc đáo, có sức cạnh tranh cao, hướng đến thị trường khách du lịch cao cấp, xứng tầm với tiềm năng du lịch của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, trong thời gian cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, BQL Vịnh Hạ Long đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai thí điểm 4 sản phẩm, dịch vụ du lịch mới trên Vịnh Hạ Long: Dịch vụ tắm biển công cộng, địa điểm tổ chức tại Khu vực đảo Soi Sim, khu vực hang Cỏ, khu vực hang Trinh Nữ. Dịch vụ tắm biển cao cấp tại các bãi cát nhỏ kết hợp chèo kayak, tiệc nhẹ trên bãi cát tại khu vực bãi cát Bàn Chân; khu vực hòn Nất; khu vực hòn Trà Giời; khu vực hòn Lưỡi Liềm; khu vực Trà Sản; khu vực Cát Oăn; khu vực Ra Cát. Dịch vụ biểu diễn nghệ thuật kết hợp tiệc trong hang động tại hang Trống, hang Hồ Động Tiên, hang Cỏ, hang Trinh Nữ. Dịch vụ tham quan, khám phá hệ sinh thái Tùng - Áng kết hợp câu cá thư giãn tại áng Mê Cung, áng Hồ Ba Hầm, áng hang Hanh, áng Cá Hồng.
Theo đó, BQL Vịnh Hạ Long sẽ thực hiện đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng; triển khai phương thức cho thuê hạ tầng để hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ. Bên cạnh đó, trao đổi thống nhất với doanh nghiệp về cơ chế cho thuê hạ tầng, thủ tục tiếp nhận tài sản doanh nghiệp đã đầu tư cho BQL Vịnh Hạ Long quản lý và khai thác theo đúng các quy định của Nhà nước. Đồng thời, triển khai các thủ tục cải tạo, đầu tư hạ tầng tại các bãi cát, hang động, tùng áng nêu trên đảm bảo đủ điều kiện để hoạt động thí điểm. Dự kiến đến năm 2025 tổ chức khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch sau khi được UBND tỉnh đồng ý cho phép thí điểm.
Với các sản phẩm du lịch độc đáo, từ đầu năm đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón khoảng 2,7 triệu lượt khách, trong đó riêng tháng 9, 10, lượng khách quốc tế chiếm đến 90%. |
Dương Hà