Du lịch "thuận thiên" Cồn Chim
Điểm đến ấn tượng nhất của Trà Vinh hiện nay là Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng. Ra mắt từ cuối năm 2019 nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên đến cuối năm 2022, vùng đất này mới được “đánh thức” tiềm năng du lịch; trở thành điểm du lịch xanh tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế khám phá, trải nghiệm. Đây luôn là điểm đến được các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh lựa chọn khi đưa khách về Trà Vinh những năm gần đây.
Du khách tham quan, đạp xe tại Cồn Chim.
Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Du lịch và Sự kiện IDo tại Cần Thơ cho biết, khách hàng của công ty rất thích thú với điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim - một miền quê sông nước yên bình, êm ả với nhiều món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ; được tiếp xúc, trò chuyện với những người dân địa phương chân chất, thật thà, hiếu khách…. Hầu hết du khách đều có phản hồi tích cực về điểm du lịch hấp dẫn này. Nhiều người đã quay trở lại cùng người thân và bạn bè. Đến nay, công ty đã đưa 07 đoàn khách từ Cần Thơ về Trà Vinh; trong đó Cồn Chim luôn là điểm đến ưu tiên.
Được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, xung quanh là dãy rừng bần và những hàng dừa nước, Cồn Chim có diện tích tự nhiên 62ha với 54 hộ dân, trên 200 nhân khẩu đang sinh sống. Không mang nét đặc trưng của những cù lao vùng sông nước Tây Nam Bộ là miệt vườn sum xuê hoa trái, điểm đặc biệt khi đến Cồn Chim là du khách có thể hòa mình cùng thiên nhiên, tìm hiểu, trải nghiệm những sinh kế đời thường “thuận thiên” và thưởng thức các món ăn dân dã Nam Bộ, tham gia các trò chơi dân gian…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim cho biết, trước đây, người dân địa phương chủ yếu thu nhập từ nghề nuôi thủy sản với mức bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Từ tháng 01 đến cuối tháng 6, người dân thả nuôi cua biển, tôm thẻ, tôm sú. Từ tháng 7 đến cuối tháng 12, mọi người lại trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh.
Khi mới ra đời, mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim có 11 hộ tham gia. Đến nay đã phát triển lên 19 hộ, cho thu nhập tăng thêm từ 05 - 15 triệu/tháng/hộ. Mỗi hộ phụ trách một điểm đến với nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm, ẩm thực… đặc sắc, không trùng lắp gây nhàm chán cho du khách. Tất cả người dân nơi đây đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường; đặc biệt là sản xuất hoàn toàn sạch, không sử dụng phân, thuốc hóa học để bảo vệ môi trường tự nhiên và sức khỏe cộng đồng.
Đến Cồn Chim, du khách được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Hầu hết du khách đến Cồn Chim đều rất ấn tượng với ẩm thực nơi đây. Các món ăn dân dã được chế biến ngon miệng từ những sản vật tươi, sạch do người dân địa phương nuôi, trồng hoàn toàn “thuận thiên”; cùng sự chăm chút, bày trí đẹp mắt làm “xiêu lòng” bao thực khách.
Lần đầu đến với Cồn Chim, ông Đặng Tấn Tài (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) rất ấn tượng với cách làm du lịch đầy trách nhiệm của người dân địa phương. Các hoạt động trải nghiệm cũng khác biệt hoàn toàn so với những điểm du lịch thường thấy ở miền sông nước Tây Nam Bộ. Ông Tài và những người trong đoàn rất thích thú với việc tự tay xay bột, làm bánh lá mơ để thưởng thức tại nhà "Cô Ba Sữa", được uống nước dừa xiêm thơm ngọt tại “Vườn dừa Bé Thảo” với những chiếc ống hút cỏ; khám phá Bếp xưa Nam Bộ; được quay về ký ức tuổi thơ với những trò chơi dân gian như: ô ăn quan, chơi keo, nhảy dây, ném lon… Thú vị hơn nữa là mọi người được tham gia trò chơi đua cua, câu tôm, chèo thuyền...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Lâm Hữu Phúc cho biết, lượng khách đến Cồn Chim ngày càng tăng. Năm 2023, điểm du lịch này đón 22.450 lượt khách trong và ngoài nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, nơi đây đã đón trên 17.000 lượt khách...
Nhiều tiềm năng phát triển
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với vị trí nằm giữa hai nhánh sông Mekong và tiếp giáp Biển Đông, có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Đây là lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, đây là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer nên có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa tạo thành nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng.
Ngoài ra, tỉnh có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với lối kiến trúc độc đáo, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Địa phương có 02 Bảo vật quốc gia và 08 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.
Trà Vinh hiện có 07 điểm du lịch tiêu biểu, được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận gồm: Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha, Khu văn hóa - du lịch Ao Bà Om, điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch).
Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè - địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho hay, trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, huyện Cầu Kè được xác định là 01 trong 03 trung tâm du lịch với định hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái - văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng và có thế mạnh của địa phương.
Là vùng sông nước, nằm ven Sông Hậu, Cầu Kè là vùng đất trù phú nhất tỉnh, nổi tiếng với những vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Địa phương còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ nghệ thuật giá trị, 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer cổ kính; lễ Vu lan Thắng hội được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức hằng năm vào nửa cuối tháng 7 âm lịch...
Ngành Du lịch tỉnh đang lấy ý kiến tham vấn từ các doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện sản phẩm tại huyện Cầu Kè; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phục vụ việc phát triển du lịch. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đưa khách đến tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng.
Trong khuôn khổ Chương trình Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã giới thiệu đến các doanh nghiệp lữ hành về tiềm năng du lịch huyện Cầu Kè và mời gọi đầu tư.
Cầu Kè nằm trên tuyến đường từ Cần Thơ về Trà Vinh nên nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để Trà Vinh khai thác tuyến du lịch ở huyện Cầu Kè. Tuy nhiên, Cầu Kè cần nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn; đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh truyền thông về thương hiệu, ẩm thực, gắn với tổ chức thêm các lễ hội để thu hút khách du lịch; đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông về đặc sản dừa sáp Trà Vinh - “ông hoàng” đặc sản của tỉnh để tạo điểm nhấn; đồng thời khai thác thêm các đặc sản khác như mật hoa dừa, bánh tét Trà Cuôn…
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel - Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, địa phương cần có sự chọn lọc các sản phẩm du lịch, cùng với đội ngũ thuyết minh chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt cho du khách.
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh cần tạo điểm nhấn cho du lịch Cầu Kè bằng nguồn tài nguyên có sẵn để phát triển các sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch địa phương. Cầu Kè có cù lao Tân Qui với những vườn cây ăn trái xanh tươi, trĩu quả rất phù hợp với du lịch miệt vườn, xu thế phát triển du lịch xanh hiện nay.
Bài, ảnh: Thanh Hòa