Khai mạc triển lãm "Xuôi ngược Hà Nội"

Cập nhật: 18/11/2024
Ngày 16-11, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Mạng lưới Tiên phong và Xưởng nhuộm Đu Đủ (Hà Nội) đã phối hợp tổ chức triển lãm "Xuôi ngược Hà Nội".

Đây là một hoạt động nằm trong Tuần lễ Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Triển lãm diễn ra trong hai ngày 16 và 17-11 tại vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tên gọi “Xuôi ngược Hà Nội” được gợi cảm hứng từ sự đa dạng và phong phú của văn hóa Hà Nội, được tích hợp từ văn hóa miền xuôi của Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền ngược từ các tỉnh miền núi.

Các diễn giả chia sẻ tại triển lãm "Xuôi ngược Hà Nội". 

Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm, ông Lê Quang Bình - đại diện Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết: "Văn hóa Hà Nội rất giàu có vì Hà Nội nằm trong Đồng bằng sông Hồng nên thừa hưởng văn hóa nơi này. Ngoài ra, hằng năm Thủ đô Hà Nội đón nhận nhiều dòng người khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược tới sinh sống và làm việc, để từ đó làm cho văn hóa Hà Nội giàu có, đa dạng hơn. Qua triển lãm này, chúng tôi chia sẻ rằng văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú, là một nền tảng giàu có cho sáng tạo. Điều quan trọng là chúng ta cần xây dựng một đội ngũ những người làm sáng tạo, yêu văn hóa, hiểu bản sắc và có thể cùng sáng tạo ra các sản phẩm mới, từ đó góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa ở Hà Nội đồng thời mang lại sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền".

Tải Thị Mai chia sẻ về những hoa văn trên vải truyền thống của người Pà Thẻn. 

Tại triển lãm, các bạn trẻ như Tải Thị Mai (dân tộc Pà Thẻn, thành viên Mạng lưới Tiên phong), Vàng Thị Dế (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)... đã chia sẻ nhiều câu chuyện khởi nghiệp, phát triển nghề dệt truyền thống với những mảnh vải được nhiều người yêu thích bởi các họa tiết hoa văn truyền thống.

Hình ảnh nhận diện của các dân tộc dễ thấy nhất là trang phục với kiểu cách, màu sắc và hoa văn rất đặc trưng. Những biểu tượng hoa văn này đôi khi chỉ đơn thuần mô phỏng lại hình ảnh từ tự nhiên, môi trường sống, sinh hoạt đời thường, có khi, nếu đi vào tầng sâu hơn nữa, thể hiện một mối quan hệ gắn kết hòa quyện với đất trời. Cạnh đó, có các hoa văn thể hiện câu chuyện nguồn cội, hay cả một cuộc hành trình lịch sử phân chia, tái hợp của các tộc người gần gũi. Hay, có các hoa văn chỉ được tạo tác bởi bàn tay hoa mỹ để dùng riêng cho các dịp đặc biệt như đám cưới, lễ tang, thầy cúng, giới chức sắc… kèm những câu chuyện rất riêng và chung.

Rất nhiều người quan tâm tới những hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc.

Cũng trong buổi tọa đàm, vấn đề sáng tạo và ứng dụng giữa truyền thống và hiện đại cũng được đặt ra để thảo luận, giữa bối cảnh công nghiệp đang phát triển hiện nay, điều đó thể hiện đồng bào các dân tộc sẵn sàng tham gia tìm tòi sáng tạo nhiều cách làm mới, bên cạnh việc bảo tồn lối làm thủ công truyền thống để phát triển kinh tế.

Các diễn giả đều chia sẻ rất cởi mở và hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những sản phẩm truyền thống chất lượng, được thị trường trong nước ưa chuộng, thể hiện sự tôn trọng, thấu hiểu các chất liệu tri thức bản địa được vận dụng; đồng thời truyền tải hấp dẫn câu chuyện văn hóa của cộng đồng bản địa tới người tiêu thụ sản phẩm.

Tin, ảnh: Diệp Châu

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 16/11/2024