Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Hoàng thành của kinh thành Huế, nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất trong Hoàng Cung, nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần triều Nguyễn.
Tên Điện Thái Hòa lấy gốc từ Kinh Dịch. Chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.
Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Hoàng thành của kinh thành Huế, nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn.
Sau 3 năm nỗ lực trùng tu với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo, công trình này dần lộ diện với vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy. Điện Thái Hòa và bửu tán là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ trọn vẹn giá trị văn hóa của triều Nguyễn trong lòng quần thể Di tích Cố đô Huế. Công trình này sẽ được khánh thành vào ngày 23/11 (dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam) sau gần 3 năm trùng tu.
Sau 3 năm nỗ lực trùng tu với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo, công trình này dần lộ diện với vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy.
Công trình kiến trúc này được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805. Khi ấy Điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía Tây Bắc. Tháng 3 năm 1833 khi quy hoạch lại và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại Nội, Vua Minh Mạng đã cho dời Điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn. Từ đó về sau ngôi Điện này còn được tu bổ nhiều lần.
Điện Thái Hòa được xây dựng theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương”.
Điện Thái Hòa được xây dựng theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau). Diện tích mặt bằng ngôi điện là 1.360m2. Nền điện cao hơn tầng sân chầu thứ nhất 1m và cao hơn mặt đất 2,35m. Ngôi nhà chính ở phía sau là chính điện (hay chính doanh) có 5 gian hai chái, ngôi nhà phía trước gọi là tiền điện (hay tiền doanh) có bảy gian hai chái. Hai nhà trước và sau được nối lại với nhau bằng một mái thừa lưu hay còn gọi là mái vỏ cua.
Toàn bộ hệ thống sườn nhà của ngôi Điện được làm bằng gỗ lim. Các hàng cột gồm 80 cột đều sơn vẽ rồng thếp vàng uốn quanh. Giữa tiền điện, gần trên mái treo tấm biển sơn son thếp vàng với ba chữ “Thái Hòa Điện”, bên cạnh có hàng chữ nhỏ ghi năm xây dựng đầu tiên (1805), năm làm lại (1883) và năm đại tu (1923). Phía trong cùng, ở gian giữa chính điện đặt ngai vua ba tầng bệ gỗ, bên trên treo bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc trang trí chín con rồng. Ngai và bửu tán đều thếp vàng chói lọi rực rỡ. Các tuồng gỗ ở nhà trước được soi chỉ, chạm khắc và sơn thếp rất đẹp. Trên trần gỗ mỗi căn đều treo lồng đèn trang trí thơ văn và hình ảnh cách điệu chạm trổ theo lối “nhất thi nhất họa”.
Điện Thái Hòa và bửu tán là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ trọn vẹn giá trị văn hóa của triều Nguyễn trong lòng quần thể Di tích Cố đô Huế.
Mái điện trước đây được lợp ngói hoàng lưu ly (ngói ống tráng men vàng) được chia làm ba tầng chồng mí lên nhau gọi là mái chồng diêm hoặc trùng thiềm. Giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt tòa nhà, được chia ra từng ô, hộc trang trí hình vẽ và thơ văn trên những miếng đồng tráng men nhiều màu (pháp lam) theo lối nhất thi nhất họa. Trên nóc điện, bờ mái đều chắp hình rồng theo kiểu lưỡng long triều nguyệt và hồi long. Giữa nóc tiền điện trang trí bầu rượu bằng pháp lam.
Sân chầu còn được gọi là Bái đình hay Long trì (sân rồng), là sân phía trước Điện Thái Hòa, nơi các quan đại thần đứng sắp hàng theo phẩm hàm, quay mặt vào Điện Thái Hòa làm lễ đại triều. Ở trong Điện Thái Hòa chỉ có Vua ngự trên ngai vàng, các Hoàng thân và 4 vị đại thần cao nhất (tứ trụ) đứng chầu.
Tổng kinh phí thực hiện dự án trùng tu điện Thái Hòa trong đó có cụm công trình bửu tán ngai vàng triều Nguyễn hơn 128 tỉ đồng.
Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ di tích Huế - Hồ Hữu Hành cho biết, tổng kinh phí thực hiện dự án trùng tu điện Thái Hòa trong đó có cụm công trình bửu tán ngai vàng triều Nguyễn hơn 128 tỉ đồng (gồm ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác). Quá trình phục chế các cấu kiện gỗ để trùng tu di tích phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Sơn son thếp vàng cần phải có những vật liệu truyền thống chính, gồm sơn ta (sơn lấy từ nhựa cây sơn của núi rừng Bắc bộ) cùng các vật liệu như vàng quỳ, bạc quỳ, bột màu, nhựa thông, dầu trẩu, dầu hỏa, vải trắng, giấy nhám, keo epoxy, bột gỗ xay mịn, bột đá…/.
Hoàng Oanh