Thời gian qua tỉnh Thanh Hóa thực thi nhiều giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch xứ Thanh - hương sắc bốn mùa.
Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa khai thác lợi thế du lịch biển ở xã Hoằng Trường.
Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 5 cơ sở có chuyên ngành và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo ngành nghề du lịch. Các cơ sở đào tạo chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên chuyên sâu, thu hút giảng viên có kinh nghiệm đào tạo, giảng dạy chuyên ngành du lịch, bổ sung giảng viên trình độ cao cho các khoa du lịch, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tuyển 1.420 học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch hệ đại học, cao đẳng, trong đó có 130 sinh viên hệ vừa học, vừa làm; 4.700 học sinh học trung cấp du lịch; 3.900 học sinh hệ sơ cấp và 5.200 học sinh được đào tạo nghiệp vụ du lịch thường xuyên dưới 3 tháng. Các cơ sở đào tạo còn liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức đào tạo, đào tạo lại nghề du lịch cho người lao động.
Cụ thể hóa chương trình phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí hơn 213 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, cải thiện môi trường, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp tổ chức 24 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho nhân lực tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; 12 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho lãnh đạo khách sạn, công ty lữ hành, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nhân viên lễ tân, buồng, bàn bar, bếp.
Riêng năm 2024, cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ cho nhân lực hướng dẫn tour du lịch mạo hiểm trên địa bàn các huyện miền núi: Bá Thước, Quan Hoá, Thường Xuân. Nhiều doanh nghiệp du lịch trong tỉnh bồi dưỡng, tự đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động và một số địa phương chủ động liên hệ với các trường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, chế biến thực phẩm, nấu ăn… cho người dân tham gia kinh doanh, phục vụ, tổ chức, cung ứng các dịch vụ, hoạt động du lịch.
Tính tháng 9/2024, Thanh Hóa có 57.800 lao động trong ngành du lịch, trong đó 6.050 lao động có trình độ đại học trở lên, 19.700 lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp. Toàn tỉnh có 47.950 lao động tham gia các hoạt động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, chiếm hơn 82,9% tổng nhân lực du lịch.
Trang phục truyền thống của đồng bào Dao, Mường ở vùng thượng du Thanh Hóa.
Hằng năm, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền ứng xử văn minh trong du lịch; triển khai xây dựng mô hình điểm về "Khu dân cư, hộ gia đình ứng xử văn minh du lịch", gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch trong xã hội.
Dù vậy, Thanh Hóa thiếu nhân lực du lịch chất lượng cao, nhất là thuyết minh viên chuyên nghiệp, chinh phục du khách bởi vốn hiểu biết sâu rộng, kỹ năng thuyết trình hấp dẫn, cuốn hút, thuyết phục. Thảo luận về việc hoàn thiện, ban hành chính sách phát triển du lịch, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị nên bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, phát triển lực lượng thuyết minh viên nòng cốt, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.
Kết nối, phát triển sản phẩm, quản lý hoạt động du lịch
Đi đôi với xây dựng, phê duyệt, quản lý quy hoạch phục vụ phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa bố trí ngân sách đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông kết nối, hạ tầng các đô thị du lịch, khu du lịch, điểm đến. Từ năm 2021 đến nay có 39 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được triển khai thực hiện, trong đó đã có 16 dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, tỉnh huy động nguồn lực từ các chương trình đầu tư công, tập trung thực hiện 70 dự án đầu tư phát triển giao thông kết nối, tăng cường cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có 47 dự án hoàn thành, 23 dự án đang triển khai thực hiện.
Một số dự án quy mô lớn đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả kết nối các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh. Đồng thời, Thanh Hóa nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phối hợp tháo gỡ vướng mắc nảy sinh, đôn đốc các nhà đầu tư bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án du lịch quy mô lớn, có tác động thúc đẩy tăng trưởng nhanh đi đôi với nâng cao chất lượng du lịch.
Một cơ sở dịch vụ du lịch tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Giai đoạn này có thêm khu du lịch sinh thái, cộng đồng Pù Luông ở huyện Bá Thước hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế, trong nước. Một số dự án đầu tư quy mô lớn, khai thác lợi thế du lịch biển như: Flamingo Linh Trường ở huyện Hoằng Hóa, Quảng trường biển-trục cảnh quan lễ hội, Công viên nước, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra bắc ở thành phố Sầm Sơn đưa vào vận hành, khai thác, tạo thêm sản phẩm du lịch, dịch vụ thu hút du khách.
Năm nay thành phố Sầm Sơn tiếp tục đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao nhằm thu hút khách du lịch quanh năm. Nổi bật là thành phố đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn, khai mạc Lễ hội du lịch biển; kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc (1954-2024) và khánh thành Khu lưu niệm, tạo thêm điểm đến, thu hút du khách.
Năm 2024, thành phố Sầm Sơn ước đón được 8,68 triệu lượt khách, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, vượt kế hoạch 4,2%; doanh thu du lịch ước đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 8,2 so với kế hoạch.
Quang cảnh cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Thanh Hóa.
Thúc đẩy hình thành, phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, có tác động lan tỏa, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng cùng nhiều sản phẩm du lịch khác có giá trị cao, đặc thù, độc đáo, mới lạ, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng trải nghiệm, khả năng chi tiêu của khách, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài.
Hiện, sản phẩm du lịch biển đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trở thành sản phẩm có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách, đặc biệt loại hình du lịch golf trong khu nghỉ dưỡng biển cao cấp 5 sao FLC Sầm Sơn, công viên nước Sunworld và tổ hợp dịch vụ Flamingo Linh Trường, góp phần thu hút, tăng số lượng khách du lịch có mức chi trả cao.
Lễ hội đường phố trong ngày khai trương, đưa khu Flamingo Linh Trường vào khai thác.
Tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Thanh Hóa hấp dẫn, thân thiện. Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch biển, quản lý các dịch vụ, siết chặt trật tự, kỷ cương.
Đồng thời các địa phương chủ động, tích cực rà soát, bổ sung, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều phương án quản lý dịch vụ du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; thành lập các đội trật tự, tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát vào kỳ cao điểm du lịch, thời điểm tổ chức các sự kiện quy mô lớn, tập trung đông người nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng trộm cắp, lừa đảo, ép khách, ép giá và điều tiết, phân luồng tránh ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông. Qua đó đã góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin đối với du khách.
Nhiều lứa tuổi lựa chọn sản phẩm chế biến từ tre, luồng ở Thanh Hóa.
Năm nay, ngành chủ quản tham mưu, tổ chức, phối hợp tổ chức 145 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, nhất là các lễ hội quy mô lớn cùng chương trình nghệ thuật độc đáo, ấn tượng. Nhiều hoạt động leo núi, cắm trại, các hoạt động tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia; các trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc, các lễ hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; các sự kiện văn hóa, thể thao liên tục được tổ chức, bình quân hơn 2,5 ngày tổ chức một sự kiện. Tiêu biểu là Liên hoan Văn nghệ dân gian-Phiên chợ vùng cao; tour du lịch mạo hiểm và giải thể thao Marathon băng rừng, hội chợ thương mại và du lịch miền tây ngày càng được du khách trong nước, quốc tế đón nhận, đánh giá cao.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến nhấn mạnh: Cùng chuỗi sự kiện, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới đưa vào khai thác, du lịch sinh thái, cộng đồng ở miền tây Thanh Hóa góp phần quan trọng cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Hóa trong thời gian tới.
Mai Luận