Những năm qua, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, qua đó góp phần gìn giữ, tạo môi trường bổ ích, ý nghĩa để nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Chị em dân tộc Dao ở Tân Cường (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa) tỉ mỉ se từng sợi chỉ để thêu, chấm sáp ong trên vải
Chiêm Hóa là huyện miền núi cách trung tâm tỉnh Tuyên Quang gần 70km. Huyện có tỷ lệ người DTTS chiếm trên 80% dân số của huyện, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 19,8% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 10,7%.
Huyện Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em, gồm các dân tộc, như: Kinh, Tày, Dao, Mông, Nùng, Hoa, Pà Thẻn, Mường, Sán Dìu, Sán Chỉ, Thái, Thủy... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đa dạng các hoạt động nhằm lưu giữ, trao truyền và phát huy các giá trị trong cuộc sống của đồng bào.
Triển khai Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN), huyện Chiêm Hóa đã được đầu tư trên 4,7 tỷ đồng, để thực hiện các chương trình khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống DTTS có dân số ít người.
Huyện đã ban hành Quyết định số 461/QĐ-UBND, ngày 10/7/2024 về phê duyệt giao dự toán kinh phí năm 2024, tổ chức 2 lớp học tiếng Pà Thẻn, mở lớp dạy nghi lễ cúng nhảy lửa và triển khai xây dựng 1 điểm cụm Pa nô. Xây dựng 2 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS, mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch với kinh phí 700 triệu đồng.
Các đại biểu dự lớp truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Pà Thẻn, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang
Bên cạnh đó, huyện cũng lập dự toán và ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình ở xã Tân An, xây dựng 6 câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Hỗ trợ hoạt động cho 13 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN; Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và thể thao tại các thôn tại 3 xã.
Có dịp ghé thăm xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, đây là nơi đa số người dân tộc Pà Thẻn sinh sống với 62 hộ và 279 khẩu tại 2 thôn Khuổi Hóp và Nà Luông. Người dân tộc Pà Thẻn ở đây còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc có sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái. Để gìn giữ văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn, huyện Chiêm Hóa đã tổ chức lớp học tiếng Pà Thẻn theo hình thức truyền khẩu tại Nhà văn hóa thôn Khuổi Hóp và lớp truyền dạy Văn nghệ. Tất cả học viên tham gia các lớp học đều là con em người dân tộc Pà Thẻn hiện đang sinh sống tại thôn Khuổi Hóp và thôn Lăng Luông, xã Linh Phú.
Sau thời gian 60 ngày đối với học tiếng và 40 ngày học lớp truyền dạy văn hóa, 2 lớp học đã hoàn thành chương trình giảng dạy, qua đó đã góp phần khôi phục, giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại địa phương.
Còn tại thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, huyện đã tổ chức thành lập 1 CLB Văn hóa dân gian dân tộc Mông. CLB sinh hoạt mỗi tuần 1 buổi, Tại đây, các bạn trẻ sẽ được tìm hiểu về những nét độc đáo trong văn hóa dân tộc mình, được nghệ nhân truyền dạy cho các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mông, đặc biệt là nghệ thuật múa khèn…
Những họa tiết đặc sắc của người Dao tiền được thêu, chấm sáp ong rất công phu và tỉ mỉ.
Anh Đào Văn Giàng, Chủ nhiệm CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa chia sẻ: Hiện nay, CLB đã thu hút hơn 30 thành viên tham gia, các thành viên khi tham gia đã được Nghệ nhân ưu tú Vàng Chá Thào, tỉnh Hà Giang và các giảng viên của tỉnh truyền dạy, hướng dẫn cách thức sinh hoạt CLB; biểu diễn, giao lưu văn hóa dân gian dân tộc Mông, như: Thổi khèn, hát dân ca, múa ô, múa khèn…
Việc CLB duy trì hoạt động thường xuyên có ý nghĩa rất lớn, là nơi để cộng đồng dân tộc Mông được giao lưu, gắn kết và cũng là nơi để họ được trao truyền cho thế hệ mai sau những nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc mình. Cũng theo anh Đào Văn Giàng hiện nay, CLB đang hướng tới sẽ luyện tập một số tiết mục văn nghệ đặc sắc để tham gia giao lưu tại các Hội diễn văn hóa, văn nghệ ở địa phương, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.
Bà Lâm Thị Hồng Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa, cho biết: Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương đã góp phần phát huy tiềm năng lợi thế, mở ra cơ hội phát triển mới cho không chỉ người dân nơi đây mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thực tế cho thấy, chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, CLB văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã và đang từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của các dân tộc.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung chương trình Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Thảo Khánh