Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang hướng tới sự bền vững, việc phát triển du lịch cộng đồng đã và đang trở thành một xu hướng. Mới đây, giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới 2024” của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc đã xướng tên và vinh danh làng rau Trà Quế (Quảng Nam) là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải này trong năm 2024. Trước đó, các năm 2022, 2023, giải thưởng này đã lần lượt vinh danh làng Thái Hải (Thái Nguyên), làng Tân Hóa (Quảng Bình).
Khách du lịch thích thú trải nghiệm ngồi trên bè cói, nguyên liệu để dệt chiếu và đan thủ công mỹ nghệ ở xã An Cư (huyện Tuy An). Ảnh: Trần Quới
Những ngôi làng này là minh chứng sinh động cho sự phát triển bền vững giữa bản sắc văn hóa kết hợp hài hòa tài nguyên du lịch của địa phương. Từ sự thành công của những mô hình này, chúng ta có thể rút ra những bài học quý để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại địa phương mình.
Vinh dự trở thành “Làng du lịch tốt nhất”
Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) nhằm nâng cao vai trò của du lịch trong việc bảo vệ các làng quê vùng nông thôn, bao gồm cảnh quan, hệ thống tri thức, sự đa dạng sinh học và văn hóa, các hoạt động địa phương bao gồm nông, lâm, chăn nuôi, thủy sản và ẩm thực.
Làng được lựa chọn phải nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). UN Tourism đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng rau Trà Quế, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.
Làng rau Trà Quế hình thành từ thế kỷ XVI, được bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế, có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tươi tốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây phát triển nghề trồng rau theo phương thức hữu cơ. Hiện làng Trà Quế có 202 hộ dân giữ nghề trồng rau với 326 lao động trực tiếp trên diện tích 18ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Vùng rốn lũ làng Tân Hóa, thuộc tỉnh Quảng Bình, trước đây khó có ai hình dung có thể là một làng du lịch. Nơi đây, nằm ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm như hang Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… Xã Tân Hóa tập trung chủ yếu là tộc người thuộc nhóm Việt - Mường, có nhiều nét văn hóa đặc trưng và các giá trị văn nghệ dân gian…
Đây là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động. Song, hằng năm xã Tân Hóa thường xảy ra lũ lụt (từ tháng 6-9 âm lịch). Vậy nhưng họ vẫn phát triển du lịch “thích ứng thời tiết” và trở thành “Làng du lịch tốt nhất thế giới”, được bầu chọn năm 2023.
Tương tự, làng Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) mộc mạc, đậm chất làng quê, đậm đà văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày với đàn tính hát then. Điều quan trọng là người làng Thái Hải đã biết biến những nét đặc trưng riêng có trở thành sức hấp dẫn diệu kỳ, thu hút đông đảo du khách tìm về. Thái Hải trở thành “Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải”, một điểm đến hấp dẫn của du lịch tỉnh Thái Nguyên, năm 2022 được tổ chức UN Tourism vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Nam nữ làng Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chơi trống đôi cồng ba chiêng năm, múa các điệu múa truyền thống giới thiệu đến du khách. Ảnh: Trần Quới.
Theo thống kê của các địa phương này, hằng năm các làng du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tạo công ăn việc làm và trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Bài học cho các địa phương có tiềm năng
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Phú Yên cũng có điều kiện thuận lợi và nhiều tài nguyên để phát triển làng văn hóa DLCĐ.
Tại Phú Yên, một số làng nghề, làng văn hóa du lịch đã và đang được hình thành như: Làng rau Ngọc Lãng, làng nghề văn hóa du lịch Long Thủy (TP Tuy Hòa), làng nghề chiếu cói An Cư, làng Yến (huyện Tuy An), buôn văn hóa Lê Diêm (huyện Sông Hinh), thôn Liên Sơn, Hòa Ngãi (huyện Sơn Hòa), làng văn hóa du lịch Xí Thoại (huyện Đồng Xuân)…
Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch, cách làm du lịch hiện nay ở các làng quê này chưa thật sự nổi bật, chưa thu hút khách và chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, chuyên gia về phát triển DLCĐ, điểm nhấn của các làng DLCĐ nổi tiếng đó chính là biết tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày một cách sinh động, gắn với nét đặc trưng và văn hóa bản địa, giúp thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Việc kết hợp giữa du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp duy trì và phát triển bền vững.
Còn nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người từng có thời gian dài gắn bó trong công tác chuyên môn và quản lý lĩnh vực văn hóa - du lịch cho rằng, muốn phát triển du lịch, cần có con người làm du lịch và tạo ra sản phẩm du lịch.
Trong đó sản phẩm du lịch phải đặc biệt, đặc trưng khác biệt. “Cái mình làm không nên giống người khác, trong trường hợp tài nguyên giống nhau, tạo ra những sản phẩm tương đồng thì mình phải tìm cách tạo sự khác biệt hơn, gia tăng giá trị văn hóa bản địa trong sản phẩm du lịch biển, cách thức tổ chức mới lạ, độc đáo…”, ông Phan Đình Phùng nói.
Bài học cho DLCĐ các địa phương hướng tới sự phát triển bền vững là tận dụng lợi thế địa phương, khai thác tiềm năng từ các làng nghề truyền thống, đến các khu vực nông thôn thanh bình.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển DLCĐ bền vững, đó là tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn bản địa. Các sản phẩm này không chỉ phản ánh văn hóa, tập quán mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo và nâng cao năng lực cộng đồng cũng rất cần thiết. Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng về kỹ năng du lịch, marketing và quản lý sẽ giúp họ tự tin hơn trong việc đón tiếp và phục vụ du khách.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu DLCĐ, xây dựng thương hiệu cho các làng DLCĐ là yếu tố then chốt để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội, website du lịch và hợp tác với các đơn vị lữ hành là cách hiệu quả để quảng bá.
Trần Quới