“Du lịch net zero” (không phát thải ròng trong du lịch) được coi là đòn bẩy để phát triển du lịch xanh, bền vững. Ở Việt Nam, xu hướng này cũng đang được ngành du lịch tích cực triển khai.
Net zero, hay phát thải ròng bằng 0, là trạng thái cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính (CO2) do con người gây ra và lượng khí thải được loại bỏ khỏi khí quyển. Du lịch net zero chính là làm giảm lượng khí nhà kính phát ra từ các hoạt động du lịch, tạo ra đóng góp quan trọng trong nỗ lực chung nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. Điều này không những hạn chế các tổn hại tới môi trường, bảo vệ cảnh quan mà còn tạo ra trải nghiệm du lịch tích cực và ý nghĩa cho du khách, giúp họ tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm, thân thiện với môi trường. Vì thế, giờ đây nhiều nước đã coi du lịch net zero không chỉ là một xu hướng mới mà còn là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả khách du lịch và môi trường.
Việt Nam cũng đã và đang tham gia vào nhiều công ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng nhấn mạnh: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đất nước Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm, cam kết thực hiện các điều ước đã đề ra, tôn trọng các khuyến nghị của các tổ chức du lịch quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism). Cách tiếp cận của UN Tourism đã đề ra: Khi phát triển du lịch xanh, cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững. Ở một mức độ cao hơn, du lịch net zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải CO2 cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch”.
Phát thải phát sinh trong rừng của du khách đi tour du lịch của Công ty Chua me đất rất ít. Ảnh: Nguyễn Châu Á
Ở góc độ người làm du lịch nhiều năm, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Chua me đất (Oxalis) cho rằng: "Trung bình mỗi năm, Việt Nam phát thải 900 triệu tấn CO2, trong khi những cánh rừng trên cả nước chỉ hấp thụ được khoảng 110 triệu tấn. Vì thế vấn đề bảo tồn môi trường rất quan trọng không chỉ với môi trường mà khách chi tiêu cho tour của chúng tôi thấy được đồng tiền họ bỏ ra có giá trị. Chúng tôi tiên phong trong đánh giá xem mình ở đâu trong net zero. Oxalis giới hạn đón 1.000 khách tham gia tour khám phá hang Sơn Đoòng một năm. Muốn làm net zero, chỉ một vài doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự chung tay của cộng đồng”.
Đồng tình rằng cần có sự chung tay, thay đổi từ chính sách tới nhận thức... mới làm được du lịch net zero, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings nói: "Chúng ta tự hào Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, nhưng rác cũng nhiều. Chúng tôi kiến nghị ngành du lịch triển khai Go Green để chuyến đi xanh, không xả rác, không rác thải; đồng thời đo hành động của khách phát ra bao nhiêu CO2 và yêu cầu khách giảm lượng CO2. Vietravel cũng đã triển khai chương trình Go Green từ năm 2013. Bên cạnh những hành động như phát túi nilon tự hủy cho khách, dọn vệ sinh tại các điểm du lịch, Vietravel cũng yêu cầu khách giảm lượng CO2, gắn nhãn CO2 cho các nhà hàng...".
Hằng Trang