Cao Bằng: Đánh thức tiềm năng kinh tế xanh

Cập nhật: 28/11/2024
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và dấu ấn văn hóa độc đáo, Cao Bằng như "viên ngọc xanh" ẩn giấu giữa núi rừng Đông Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiềm năng phát triển kinh tế xanh đang được đánh thức nhờ những tuyến đường mới và cách thức khai thác kinh tế bền vững.

Thác Bản Giốc có tên trong danh sách 21 thác nước đẹp nhất thế giới năm 2024 do tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel+Leisure bình chọn.

Gắn phát triển xanh với chống biến đổi khí hậu

Tuy gặp khó khăn kinh tế do vị trí địa lý xa xôi, nhưng Cao Bằng lại có hệ sinh thái hoang sơ bậc nhất Việt Nam. Tỉnh đã chọn phát triển nông, lâm nghiệp hữu cơ và du lịch bền vững làm trụ cột kinh tế, nhằm tránh khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Ngành du lịch trở thành “điểm sáng” với sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh. Trong 7 tháng năm 2024, Cao Bằng đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó có 15.000 lượt khách quốc tế. Đặc biệt, Thác Bản Giốc được công nhận là một trong 21 thác nước đẹp nhất thế giới.

Tỉnh Cao Bằng đang thúc đẩy du lịch xanh, kết hợp văn hóa và di sản địa phương. Đồng bào dân tộc thiểu số, sống trong vùng di sản giàu có về văn hóa và địa chất, đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo tồn. Cao Bằng chú trọng “nâng đáy”, hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững, theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Phát triển kinh tế xanh kết hợp chống biến đổi khí hậu là chiến lược dài hạn của tỉnh, với phương châm “chậm nhưng chắc”, tạo bước đi vững chắc cho tương lai.

Làng đá Khuổi Ky (Trùng Khánh) ngôi làng được lựa chọn xây dựng du lịch cộng đồng hướng đến phát triển du lịch xanh.

Trong bối cảnh bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đã gặp bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên. Bà Brito khẳng định, non nước Cao Bằng được coi là "viên ngọc quý" của thiên nhiên, không thể định giá bằng kinh tế. Sự tàn phá nặng nề của bão Yagi vừa qua chính là lời cảnh báo về trách nhiệm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân.

Bí thư Trần Hồng Minh cho biết, Cao Bằng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu với mưa đá, lũ quét và sạt lở đất gia tăng. Tỉnh đã tập trung vào phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ rừng, và nâng cao thu nhập cho người dân. Các nhiệm vụ chính bao gồm phát triển nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp, đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, bảo tồn đa dạng sinh học, và tuân thủ khuyến nghị của UNESCO về di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Vừa qua, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (GGN) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng (APGN-8) cũng là dấu mốc 20 năm thực hiện sứ mệnh bảo tồn “Ký ức trái đất”, thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân văn giữa con người và thiên nhiên. Đứng trước thách thức mới về vấn đề toàn cầu, Ủy ban UNESCO Việt Nam và GGN đã xây dựng “Tuyên bố Cao Bằng” với nhiều nội dung tiến bộ định hướng, khuyến nghị công viên địa chất bước lên nấc thang mới phát triển bền vững.

Theo đó, Tuyên bố Cao Bằng UNESCO với 8 nội dung khuyến nghị thành viên GGN thực hiện đã khẳng định vai trò quan trọng của các công viên địa chất trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và duy trì mối quan hệ hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên. Khuyến nghị tất cả các bên liên quan, chính quyền địa phương và khu vực đều được đại diện trong quá trình quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO; trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số và các tri thức bản địa trong khu vực công viên địa chất. Khuyến nghị “lấy nhân dân làm trung tâm” đặc biệt là dân tộc thiểu số, tham gia bảo tồn và quảng bá các khu vực công viên địa chất,…

Sông Quây Sơn thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Cao Bằng.

“Hội nghị APGN - 8 tổ chức đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập GGN là “hành trình trẻ” với mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế-xã hội bền vững để lưu giữ “Ký ức trái đất”. Tôi mong muốn các quốc gia thành viên GGN tăng cường giáo dục kiến thức về công viên địa chất cho thế hệ trẻ để thúc đẩy nấc thang mới phát triển bền vững, chủ động giải quyết, ứng phó với vấn đề bức thiết toàn cầu”, bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh.

Đại diện Ban Quản lý công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng cho biết: Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức nhiều hoạt động phong phú về giáo dục công viên địa chất cho học sinh, giúp các em trở thành “sứ giả” của “ký ức Trái đất” nâng cao trách nhiệm bảo vệ di sản công viên địa chất, thiên nhiên môi trường, tìm chọn con đường lập nghiệp theo hướng kinh tế xanh, bền vững, chống biến đổi khí hậu, lan tỏa giá trị di sản công viên địa chất trong xã hội.

Bài toán xanh, phát triển bền vững

Quy hoạch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tập trung phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù đã có đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành này vẫn chưa phát triển đồng bộ, tăng trưởng chỉ ở mức 3%/năm với thu nhập 46 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nông lâm nghiệp vẫn giúp bảo vệ cảnh quan tự nhiên của Cao Bằng.

Cao Bằng hiện có 144 sản phẩm OCOP chất lượng cao, tạo sinh kế ổn định cho người dân và mở rộng tiềm năng du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khẳng định, tỉnh luôn đặt việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên lên hàng đầu. Với diện tích hơn 6.700 km², trong đó 90% là núi rừng, tỉnh đã giữ gìn cảnh quan tự nhiên và tăng độ che phủ rừng lên 55-60%. Điều này giúp giảm thiệt hại thiên tai, nâng cao môi trường sống, và hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cao Bằng hiện có 144 sản phẩm OCOP chất lượng cao, tạo sinh kế ổn định cho người dân và mở rộng tiềm năng du lịch.

“Chúng tôi tin rằng việc kết hợp giữa phát triển và bảo vệ sẽ tạo nên một Cao Bằng xanh, bền vững”, ông Trần Hồng Minh cho biết.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ Cao Bằng còn nhiều rừng tự nhiên và đa dạng sinh học (không nằm trong diện được bảo vệ) vì đồng bào coi “rừng linh thiêng bảo hộ đời sống con người” nên không ai được phép chặt phá rừng. Từ định hướng phát triển, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo quy hoạch các vùng sản xuất nông lâm nghiệp gắn với thế mạnh của cây trồng, vật nuôi đặc hữu từng khu vực.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai 59 kế hoạch hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cùng 773 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 41.650 hộ tham gia, tạo ra 144 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Đối với lâm nghiệp, tỉnh xác định ba nhiệm vụ trọng tâm: phát triển thị trường tín chỉ carbon; phát triển điện sinh khối; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu, gỗ và các sản phẩm khác.

Tỉnh Cao Bằng đã triển khai 59 kế hoạch hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cùng 773 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 41.650 hộ tham gia, tạo ra 144 sản phẩm OCOP chất lượng cao.

Việc quy hoạch vùng trong phát triển nông lâm nghiệp đã tạo “cú huých” cho doanh nghiệp và nông dân mạnh dạn phát triển kinh tế xanh. Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng cho biết: Vùng núi cao Phja Đén sở hữu khí hậu ôn đới phù hợp cho việc hình thành mô hình kinh tế khép kín không phát rác thải ra môi trường, trở thành điểm đến cho khách du lịch tới trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Như vậy, điều kiện cần để cho nền kinh tế xanh tại Cao Bằng phát triển đã có. Nhưng điều kiện đủ phải là một tuyến đường để giúp các sản phẩm du lịch, nông - lâm nghiệp “cất cánh” tới các thị trường lớn. Phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua 525 ngày đêm thông tuyến dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hướng tới chào mừng kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đặt kỳ vọng với sự kết nối giao thương thuận lợi, các sản phẩm nông sản, hàng hóa của Cao Bằng sẽ có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn hơn, không chỉ trong nước mà còn cả xuất khẩu ra nước ngoài.

“Những sản phẩm đặc trưng như hạt dẻ Trùng Khánh, thạch đen Thạch An, miến dong Phja Đén,... sẽ được đưa ra thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp nâng cao đời sống của bà con nông dân và phát triển kinh tế địa phương”, Bí thư Trần Hồng Minh khẳng định.

Thi đua 525 ngày đêm thông tuyến dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Bằng việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Cao Bằng đã và đang khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đóng vai trò then chốt nâng cao năng lực giao thông vận tải của tỉnh, được tin tưởng khi hoàn thành sẽ trở thành “đôi cánh” đưa Cao Bằng thỏa nguyện khát vọng vươn xa, như lời bài hát:

 Đường mới có rồi

Từ Đồng Đăng nối qua Trà Lĩnh

Hầm xuyên núi đào

Giọt nước mắt nghẹn trong tiếng cười

Cho em thơ khung trời mơ ước

Cho cụ già đôi mắt long lanh,...

Minh Tuấn - Minh Trang

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 26/11/2024