Đồng Nai: Phát huy hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Cập nhật: 28/11/2024
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024 được các ngành, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân (thành phố Biên Hòa) năm 2024. Ảnh: Minh Tài

Cùng với tổ chức trang nghiêm phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Nhiều lễ hội được tổ chức

Từ đầu tháng 11 đến nay, tại các di tích trên khắp 11 huyện, thành phố đồng loạt tổ chức các lễ hội kỳ yên năm 2024. Trong đó, tại thành phố Biên Hòa, đã diễn ra 2 lễ lớn gồm: Lễ Hạ ngươn vía Thủy quan Đại đế năm Giáp Thìn 2024 ở chùa Ông (Thất Phủ cổ miếu, phường Hiệp Hòa) và Lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân. Các lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách tham gia.

Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân Lâm Văn Lang cho hay, lễ hội kỳ yên tại đình được tổ chức thường niên đã trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ban Quý tế của đình luôn tạo mọi điều kiện để những người trẻ học, nắm bắt và thực hành các nghi lễ truyền thống trong lễ hội. Từ đó, giúp người trẻ nêu cao tinh thần, ý thức kế thừa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên Ban Quý tế đình thần An Hảo (phường An Bình, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Cũng như mọi người, tôi đến chùa Ông chiêm bái và tham dự lễ hạ ngươn, hòa cùng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng. Đây là lễ mang ý nghĩa tạ ơn và tri ân cộng đồng, là dịp để các đình miếu, hội quán trong và ngoài tỉnh đến giao lưu văn hóa, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Hoa”.

Theo Phòng Văn hóa và thông tin huyện Nhơn Trạch, trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội được tổ chức theo hình thức đăng ký, thông báo với chính quyền địa phương. Tiêu biểu như: lễ hội kỳ yên ở các đình, miếu; Lễ Tống Phong (ở các nhà Võ, xã Phước Thiền); lễ Phật đản; lễ Giáng sinh… với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, nhân dân no ấm, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ. Hoạt động lễ hội có sự tham gia tích cực của nhân dân, không xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan hay hoạt động tính chất thương mại.

Trong năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai đã lập hồ sơ Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, bảo tàng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Chơro, Mạ, Mường, Hoa… tổ chức các lễ hội truyền thống; thực hiện kiểm kê lễ hội truyền thống các dân tộc tại 2 huyện Cẩm Mỹ và Thống Nhất.

Hiện toàn tỉnh có 71 di tích xếp hạng và trên 1,5 ngàn di tích phổ thông. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng 350 lễ hội, góp phần khẳng định bề dày lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển, cũng như sức sáng tạo dồi dào và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cộng đồng dân cư. Cũng bởi số lượng di sản lớn, nhiều lễ hội được tổ chức quy mô nên Đồng Nai xem đây là một trong những nguồn lực to lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Tăng cường công tác kiểm tra

Mặc dù được quan tâm, song công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Đồng Nai vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy di tích và lễ hội hàng năm còn hạn chế. Hệ thống điện tại một số di tích diễn ra lễ hội trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo an toàn, vẫn còn nhiều vật dễ gây cháy như: giấy vàng mã, nhang, dầu hỏa, đồ gỗ. Việc duy trì các lễ hội dân gian tại đình, miếu chủ yếu do chính quyền địa phương, người lớn tuổi thực hiện, còn tầng lớp thanh niên ít tham gia. Một số lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng vẫn còn hiện tượng xin xăm, bán hàng rong…

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, hầu hết các lễ hội ở Biên Hòa - Đồng Nai diễn ra theo đúng các nghi thức truyền thống. Về mặt quản lý nhà nước, bảo tàng thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương tổ chức các đợt kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những hoạt động lễ hội tự phát; kiểm tra công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các di tích nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi tham gia lễ hội.

“Ngoài công tác kiểm tra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý và tham gia lễ hội đến các di tích và nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, hình thành ý thức bảo vệ di sản” - ông Nguyễn Việt Sơn nói.

Lễ hội sinh ra từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của con người. Việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định mà vẫn tạo sức hấp dẫn, giữ được các giá trị văn hóa phù hợp với cộng đồng đã và đang góp phần quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai đến với du khách gần xa.

Đồng Nai hiện có 33 di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng (gồm 5 cơ sở tôn giáo, 28 cơ sở tín ngưỡng) và 460 cơ sở tín ngưỡng trong danh mục kiểm kê phổ thông. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi và tổ chức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thu hút hàng ngàn lượt du khách và nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ly Na

Nguồn: Báo Đồng Nai - baodongnai.com.vn - Đăng ngày 26/11/2024