Huyện Đại Từ có núi rừng hùng vĩ, những hồ nước tuyệt đẹp, đồi chè xanh ngát, cùng hệ thống di tích lịch sử... đó là tiềm năng, lợi thế về du lịch mà chưa có địa phương nào của tỉnh Thái Nguyên sánh được.
"Viên ngọc xanh" bên sườn đông Tam Đảo
Dãy núi Tam Đảo là ranh giới tự nhiên ngăn cách tỉnh Thái Nguyên với 2 tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Dãy núi đã đem lại cho huyện Đại Từ khí hậu và cảnh quan tuyệt vời, làm nên hệ thống núi non hùng vĩ, những đồi chè tốt tươi và hệ thống sông, hồ nước tuyệt đẹp.
Nổi bật nhất chính là hồ Núi Cốc, được quy hoạch trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia của tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây cũng đã hình thành một số điểm du lịch đang khai thác từ nhiều năm nay, cùng nhiều điểm khác đang được xây dựng. Ngoài ra còn một số hồ khác có cảnh quan đẹp là Vai Miếu (xã Vạn Phú), Phượng Hoàng (xã Cù Vân)…
Hồ Núi Cốc được định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia của tỉnh Thái Nguyên.
Trong những năm vừa qua, đến mùa hè, đặc biệt là những ngày cuối tuần có hàng chục ngàn du khách thập phương đổ về các điểm du lịch sinh thái nằm sát với chân núi Tam Đảo tại các xã Hoàng Nông, La Bằng, Mỹ Yên, Ký Phú, Quân Chu… Điểm chung của những điểm du lịch này là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng nguyên sinh, những dòng suối mát lạnh và khí hậu mát mẻ.
Trong đó có suối Cửa Tử (tại xã Hoàng Nông), uốn lượn bên sườn của dãy núi Tam Đảo, với 7 thác nước đẹp như tiên cảnh được đặt tên là Cửa 1 đến Cửa 7. Tiếp đến là suối Kẹm (xã La Bằng), với vẻ đẹp thanh bình, dòng nước chảy dưới tán rừng tự nhiên và thi thoảng tạo thành những bãi tắm tự nhiên.
Suối Cửa Tử.
Ngoài du lịch thiên nhiên, Đại Từ cũng hút khách trải nghiệm vùng chè nổi tiếng, với những đồi chè uốn lượn, trải dài trên những sườn đồi thấp. Ngoài chụp ảnh, du khách đến đây được trực tiếp tham gia công đoạn hái chè, sao chè (chế biến) để sản xuất ra thành phẩm Trà Thái Nguyên nổi tiếng.
Du khách đến với La Bằng không chỉ là ngắm cảnh, trải nghiệm, mà còn được đắm mình với thiên nhiên, quên đi những âu lo phiền muộn sau những ngày mệt mỏi.
Đồi chè tại xã Hoàng Nông.
Du lịch được định hướng là tương lai nền kinh tế huyện Đại Từ
Với nhiều lợi thế về phát triển du lịch, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã thực hiện nhiều giải pháp nâng tầm ngành Du lịch. Địa phương này cũng xác định, trọng điểm phát triển du lịch là vùng hồ Núi Cốc, các xã Hoàng Nông và La Bằng. Song song với đó là đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, dịch vụ nghỉ dưỡng…
Từ năm 2022, UBND huyện Đại Từ đã ban hành Đề án số 02 về phát triển khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng và điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch của tỉnh; thành lập các CLB, đội văn nghệ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; thành lập các HTX du lịch cộng đồng; phát triển 7 cơ sở lưu trú phục vụ được 350 khách/ngày; 14 nhà hàng ăn uống, phục vụ được 1.000 khách/ngày…
Du khách về với Đại Từ được hòa mình với thiên nhiên.
Huyện Đại Từ cũng đã đầu tư nâng cấp 2 tuyến đường nhằm đáp ứng mục đích phát triển du lịch là: tuyến Tiên Hội - Hoàng Nông có tổng mức đầu tư là 78 tỷ đồng; tuyến Bản Ngoại - La Bằng có giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
Còn tại khu vực hồ Núi Cốc, ngoài những điểm đang khai thác, hiện có một số dự án phát triển dịch vụ, du lịch được triển khai. Nổi bật là Dự án khu thể thao sân golf Tân Thái có diện tích hơn 84 ha, quy mô 18 hố theo tiêu chuẩn quốc tế, có tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2023. Dự án này cũng có những hạng mục đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng để đón khách đến với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc trong tương lai.
Với định hướng đến năm 2030 trở thành điểm thu hút du khách của tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó là đẩy mạnh quảng bá các điểm du lịch với nhiều hình thức.
Ngoài ra, huyện Đại Từ cũng xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối các thắng cảnh với điểm di tích lịch sử, các vùng sản xuất chè tập trung. Trên cơ sở đó đã hình thành những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, mang tính đặc trưng, hấp dẫn du khách đến với địa phương này, đóng góp vào phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên.
Toán Nguyễn