Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phương hướng xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa lớn và tiêu biểu của cả nước.
Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, chưng cất văn hóa bốn phương
Với vị thế là thủ đô hơn ngàn năm tuổi, từ lâu Thăng Long - Hà Nội đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội của cả nước. Trong công trình nghiên cứu “Những con đường, dòng sông và lịch sử”, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, cho rằng Hà Nội chính là trung tâm, “là chốn hội tụ của hầu hết các đầu mối giao thông ở Đồng bằng Bắc Bộ”.
Và điều quan trọng hơn, Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước. “Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương” - nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chiêm nghiệm.
Đạp xe qua di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Quang Thái
Còn GS.TS Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển nhận định, đô thị cổ Thăng Long - Hà Nội có những nét đặc trưng ít thấy ở những đô thị cổ khác trên thế giới. Đó là tính chất “đô thị sinh thái”, gắn liền cuộc sống thị thành với thiên nhiên, núi non, sông nước, cỏ hoa, làm con người trở nên phóng khoáng hơn trong các mối quan hệ xã hội. Có thể nói về phương diện này, chính môi trường cảnh quan đô thị Thăng Long - Hà Nội đã làm nên tính thanh lịch của người Hà Nội.
Tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa, an bình cũng khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa của cả nước. Bởi thế mà Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (năm 1999), “Thành phố sáng tạo” (2019).
Theo phân tích của GS Nguyễn Huệ Chi, chúng ta không nên nhìn nhận văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội “bằng con mắt tĩnh mà cần phải hiểu nó như một khái niệm động”. Đó phải là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền, là tinh hoa của nhiều vùng miền góp lại mà có.
Ngược lại, chính môi trường văn hóa Thăng Long - Hà Nội “đã có một ưu thế riêng, vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”.
Sắc màu văn hóa trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
Chính từ đặc điểm mang tính chất trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội mà chúng ta có thể thấy, dường như trong lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả những thánh hiền, anh hùng, nghệ sĩ, danh nhân nổi tiếng của dân tộc đều ít nhiều có quan hệ tới mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Thăng Long - Hà Nội không chỉ là một lò đào tạo nhân tài mà còn là nơi rèn luyện bản lĩnh và nhân cách con người, là mảnh đất tốt để lập thân lập nghiệp. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhận định, Hà Nội là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực, cùng với các lớp cư dân bản địa từ thời dựng nước đầu tiên là các lớp cư dân tứ xứ, anh tài bốn phương đổ về. Hầu hết các giá trị tinh hoa của dân tộc, của giống nòi đều được hội tụ về đây và lan tỏa từ đây.
Để văn hóa Hà Nội đi đầu, gương mẫu thì không có cách nào ngoài xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phải có các tiêu chí mới để đóng góp nhiều hơn nữa cho Hà Nội và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng
|
Thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội trong vai trò hội tụ, kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc, hiện hữu với những tên tuổi các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, những người lao động tài giỏi và thành công trên tất cả các lĩnh vực đã kết quyện, định hình thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng cũng như truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.
Đó là tinh thần yêu nước và ý chí tự lập, tự cường; truyền thống đoàn kết và tinh thần nhân ái, hòa hiếu, bao dung. Đó còn là truyền thống lao động sáng tạo, hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống văn minh, thanh lịch trong cuộc sống và trong ứng xử…
Đưa Hà Nội vươn lên tầm cao mới
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, theo các chuyên gia, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa những nghiên cứu để xác định rõ hơn các giá trị cốt lõi của văn hóa và con người Thăng Long - Hà Nôi. Trên cơ sở đó xây dụng các chuẩn mực mới về pháp luật, đạo đức và phong tục tập quán, kế thừa những gì tốt đẹp truyền thống về việc giữ gìn không gian đô thị sinh thái, môi trường sống văn hóa thanh lịch và sáng tạo phù hợp với những điều kiện của xã hội hiện đại.
Du khách quốc tế tham quan làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Gia Khánh
Cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa và các nguồn lực về văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng, địa phương trong xã hội hiện đại. Với lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung di sản văn hóa lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Hà Nội còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn nhất cả nước, có điều kiện, cơ hội khai thác, phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hóa phong phú của T.Ư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% tổng số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc cùng nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ. Đây là tiềm năng, nguồn lực vô giá, giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới đồng thời khai thác, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phương hướng xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa lớn và tiêu biểu của cả nước. Đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, các thành tựu văn hóa thời đại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển bền vững Thủ đô.
Hà Nội hội tụ văn hóa bốn phương. Ảnh: Lê Huy Cường
Các chuyên gia cho rằng, con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, trở thành thành phố toàn cầu.
Theo Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội có nhiều nguồn lực, tài nguyên để phát triển văn hóa, trong đó con người là nguồn lực số một và quan trọng nhất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước.
Hiện nay, Sở VHTT Hà Nội đã dự thảo các phương án, lượng hóa chuẩn mực xây dựng người Hà Nội “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” thành các tiêu chí. Trong đó, người Hà Nội cần có tinh thần trách nhiệm với vai trò trung tâm chính trị - văn hóa; văn hóa giao tiếp chuẩn mực; tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng; phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội; tinh thần sáng tạo dẫn đầu…
Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng đại diện cho bản sắc, hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do vậy, việc xây dựng hình ảnh “người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là nhiệm vụ trọng yếu của thành phố.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng
|
Thiên Tú