Sơn La: Giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 16/12/2024
Ở vị trí cửa ngõ của tỉnh, với 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán độc đáo, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trải nghiệm làm tranh giấy dó của đồng bào dân tộc Mông, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Giữ lửa văn hóa dân tộc

Ngôi nhà nhỏ ở tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, nơi ông Bàn Văn Đức, nghệ nhân ưu tú duy nhất của huyện, đã bảo tồn chữ Nôm Dao và các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Ngoài nỗ lực truyền dạy ngôn ngữ, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ, ông còn đưa nghi lễ truyền thống trong đám cưới, nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hơn 25 năm qua, ông đã tổ chức gần 20 lớp truyền dạy chữ viết, dân ca, dân vũ cho hơn 1.000 học viên tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên của tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Ông Đức chia sẻ: Những giá trị văn hóa của dân tộc mình cần được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Tôi mong muốn các thế hệ trẻ hiểu biết về nguồn cội và phát triển những nét đẹp truyền thống ấy trong đời sống hiện đại, góp phần đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương.

Phát triển du lịch cộng đồng

A Chu Homestay tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, do anh Tráng A Chu làm chủ, là nơi nghỉ dưỡng và cũng là nơi để du khách khám phá văn hóa dân tộc Mông thông qua trang phục, những món đồ trang trí trong homestay, hoặc được những trải nghiệm làm giấy dó, vẽ sáp ong, giã bánh dày.

Anh Tráng A Chu nói: Làm du lịch đã giúp tôi tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc và cải thiện đời sống của gia đình, cộng đồng. Năm 2024, A Chu Homestay đã đón gần 3.200 lượt khách, trong đó 35% là du khách quốc tế. Homestay đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Bà Inbal Meyuhas, du khách đến từ Israel chia sẻ: Tôi không ngờ vùng núi Sơn La của Việt Nam lại đẹp tới vậy. Những con đường ngoằn ngoèo trong sương, những đồi hoa trắng, vàng nối dài, những ngôi nhà gỗ ấm áp, người dân nơi đây, thân thiện, dễ mến. Tôi biết đến A Chu homestay qua Google, chuyến đi này đã cho tôi và người thân những trải nghiệm đáng nhớ.

Trước đây, gia đình anh Tráng A Của duy trì nghề làm giấy dó để phục vụ cho gia đình, dòng tộc. Được tuyên truyền, vận động, gia đình anh trồng hoa, dùng những quả bí đỏ để trang trí sân vườn, duy trì làm giấy dó, mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Ban đầu, việc giới thiệu về quy trình, sản phẩm truyền thống đơn thuần không thu hút du khách. Sau khi nhận được sự góp ý của khách du lịch và anh em trong bản, anh có ý tưởng làm tranh từ giấy dó kết hợp với hoa, lá xung quanh nhà để du khách trải nghiệm và có sản phẩm mang về làm quà. Trung bình mỗi tuần, gia đình anh đón khoảng 7-10 đoàn du khách đến trải nghiệm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa

Bản Chiềng Đi 1, 2; bản Hua Tạt, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ; bản Phụ Mẫu, Nà Bai, xã Chiềng Yên và các di tích, danh thắng, như: Đền Hang Miếng, xã Quang Minh; hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, xã Chiềng Yên; thác Nàng Tiên, Đền Thờ nàng Bẳng Mương, xã Chiềng Khoa; Đền Cô Đôi Thượng Ngàn, xã Song Khủa; Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ... là những địa điểm tiêu biểu tại huyện Vân Hồ đã và đang phát triển các sản phẩm du lịch, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, hay làm giấy dó được phục dựng, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống vừa phục vụ khách tham quan. Những đặc sản địa phương, như quýt, đào, gạo nếp, cá suối..., góp phần tạo ra sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn trong trải nghiệm của du khách.

Hiện nay, huyện Vân Hồ có hơn 100 đội văn nghệ, thường xuyên tập luyện, tổ chức giao lưu, biểu diễn phục vụ khách du lịch. Đồng thời, huyện thành lập các CLB văn nghệ hát dân ca, múa dân gian tại các bản du lịch cộng đồng; phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch.

Năm 2024, huyện Vân Hồ đón gần 332.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 233,5 tỷ đồng. Ông Ngô Văn Dự, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết: Chúng tôi xác định văn hóa là gốc rễ để phát triển du lịch. Trong đó, những nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ là chủ thể của văn hóa, có trách nhiệm “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với tôn vinh các giá trị văn hóa; biểu dương sự đóng góp của các nghệ nhân đang gìn giữ, lan tỏa và truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian, huyện tổ chức đào tạo nhân lực ngành du lịch, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua phục dựng các nghi lễ truyền thống, xây dựng làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ tại các bản du lịch cộng đồng.

Với hướng đi đúng, huyện Vân Hồ phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần đưa văn hóa các dân tộc Tây Bắc đến với du khách, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.com.vn - Đăng ngày 14/12/2024