Chùa Phù Ly (Vĩnh Long) - ngôi cổ tự đậm chất Khmer

Cập nhật: 23/12/2024
(TITC) - Chùa Phù Ly tọa lạc tại Ấp Phù Ly, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Chùa được bao quanh bởi những cây sao cổ thụ và cây thốt nốt xanh mát nên Chùa Phù Ly có khung cảnh rất thanh tịnh và là điểm du lịch ấn tượng mà du khách không nên bỏ qua.

Khu vực Chánh điện và treo cờ chùa Phù Ly được sơn hết một màu vàng - Ảnh: TITC

Tuy nằm sâu trong ấp Phù Ly, không nổi bật vì nằm khuất sâu trong khu vực nông thôn, nhưng chùa thu hút rất đông Phật tử đến hành hương. Đồng thời nơi đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách.

Trong Chùa Phù Ly, nổi bật và quan trọng nhất là chánh điện. Chánh điện là tượng trưng cho ngọn núi Mêru - một ngọn núi thiêng và là nơi các vị thần đến tu học thuyết Bà La Môn, xung quanh chánh điện là những ngôi tháp cốt có chiều cao thấp hơn chánh điện, tượng trưng cho những ngọn núi nhỏ bao quanh ngọn núi thiêng Mêru.

Du khách tham quan chùa - Ảnh: TITC

Trung tâm chánh điện chúng ta thấy tượng đức Phật Thích Ca to lớn tọa trên tòa sen trong tư thế đang thuyết pháp, các bích họa được trang trí trên trần, cửa, cột, hàng hiên… với nhiều mô-típ hoa văn rồng, rắn, hoa lá, chim muông, những sự tích về Đức Phật Thích Ca lúc sinh ra, lớn lên đến khi nhập Niết bàn thành Phật.

Chùa Phù Ly mang kiến trúc độc đáo vì có sự kết hợp hài hòa giữa ba phong cách của Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Nhìn bao quát từ bên ngoài ngôi chùa cổ bao gồm khu vực chánh điện, khu thiền tự, nhà nghỉ cho Phật tử và khách hành hương, khu bếp,...

Chùa mang đậm kiến trúc và văn hóa Khmer với tường sơn màu vàng chủ đạo. Mái vòm cao vút xây theo kiểu tam cấp đặc trưng của đồng bào người Khmer vùng Tây Nam Bộ với nếp dưới cùng lớn nhất, rồi nhỏ dần lên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, trung tâm có đỉnh nhọn cao vút lên với điểm nhấn là bức tượng nữ thần Kayno ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái. Chi tiết này còn tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của cây cột và phương ngang mái chùa.

Tham quan chùa Phù Ly, phật tử và du khách còn nhận thấy hình tượng chim thần Krut cũng được tạo tác như nữ thần Kây No. Đối với hình tượng chim thần Krut và nữ thần Kây No là những biểu tượng được các nghệ nhân quan tâm và tác tạo khá phổ biến. Mỗi biểu tượng đều có những ý nghĩa, giá trị nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của cộng đồng người Khmer. Đây là hình tượng có dáng người, đầu chim, trang trí chính ở đầu cột 4 góc chánh điện, nâng đỡ mái chánh điện. Ngoài ra, còn có hàng trăm hình tượng chim thần Krut được đắp nổi trang trí trên các mảng tường dọc theo chân chánh điện là dãy cột có đắp nổi hình tượng thần Bốn Mặt (Kabil Maha Brum) nhũ vàng, 4 mặt của thần quay về 4 hướng Đông-Tây-Nam-Bắc, qua đó cũng truyền tải ý nghĩa khác là đại diện cho từ, bi, hỷ, xả trong Phật giáo.

Trong chùa hàng ngày có các lớp học dành cho các sư trẻ học chữ Khmer, chữ Việt, cùng các môn khoa học xã hội, các môn khoa học tự nhiên, giáo lý Phật giáo… Chùa còn có phòng dành cho trẻ em đến học.

Chùa còn là nơi diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sel Dolta, lễ Ok Om Bok, lễ Dâng y Katina…

Nếu có dịp mời bạn ghé thăm chùa Phù Ly để cảm nhận và chiêm nghưỡng nét hoa văn đặc sắc của Dân tộc Khmer và sự bình yên, tĩnh lặng nơi cửa Thiền môn.

Một số hình ảnh đậm nét kiến trúc chùa Phù Ly:

Du khách tham quan chùa Phù Ly - Ảnh TITC

Ảnh TITC

Trung tâm Thông tin du lịch