(TITC) - Những năm gần đây du lịch cộng đồng (DLCD) đang ngày càng phát triển và trở thành mô hình du lịch mang lại lợi ích kinh tế - xã hội bền vững nhất cho địa phương và cộng đồng dân cư bản địa tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
An Giang là vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp gắn với sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. An Giang sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán độc đáo, phong cảnh thiên nhiên hữu tình thu hút sự quan tâm của du khách đối với mô hình du lịch cộng đồng, trong đó có phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm.
Thánh đường là nơi sinh hoạt cộng đồng văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm - Ảnh: TITC
Thị xã Tân Châu là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch (DL), đặc biệt là DL sông nước, DL trải nghiệm, DL sinh thái, DL gắn với văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. Nhận thức được tiềm năng sẵn có nên tỉnh An Giang đã phối hợp với đồng bào DTTS để hướng dẫn đồng bào cùng chính quyền địa phương thay đổi cung cách để phục vụ du khách đến với địa phương từ ngành nghề đặc trưng trên địa bàn tỉnh. Cách giới thiệu quảng bá hình ảnh, sản phẩm DL của thị xã và giá trị văn hóa truyền thống - ẩm thực của đồng bào DTTS Chăm.
Vẻ uy nghiêm, tráng lệ bên trong Thánh đường - Ảnh: TITC
Du khách tìm hiểu nghi lễ, phong tục tôn giáo của người đồng bào Chăm - Ảnh: TITC
Việc xây dựng và tổ chức tour nhằm giới thiệu hình ảnh, sản phẩm DL đặc trưng của thị xã và giá trị văn hóa truyền thống - ẩm thực, món ăn dân gian của đồng bào DTTS Chăm với du khách. Qua hoạt động DL còn góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đến với DLCD Chăm Châu Phong với cơ sở dệt thổ cẩm, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về quá trình làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm, được chụp hình “Phòng cưới” truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, do cơ sở phục dựng. Đồng thời, mua những món quà độc đáo, là những chiếc xà-rông và khăn rằn, ba-lô, túi xách…
Trẻ em vui chơi trong khuôn viên Thánh đường - Ảnh: TITC
Một trong những thánh đường Hồi giáo lớn nhất của An Giang, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Thánh đường Mubarak được thiết kế theo dạng tòa nhà rộng, có những dãy hành lang dài thẳng tắp, với gam màu xanh - trắng chủ đạo. Du khách được xem đội văn nghệ hát nhạc Chăm cùng với bộ trống Rap-Ba-Na, loại nhạc cụ thường chơi vào những ngày lễ, Tết. Đến với ngôi nhà cổ có niên đại 100 năm tuổi tại ấp Phũm Soài (xã Châu Phong) du khách có thể thưởng thức bữa trưa với các món ăn truyền thống, như: Cơm nị, tung lò mò, cà búa, rau luộc, cà ri…
Du khách trải nghiệm làng nghề - Ảnh: TITC
Bên cạnh những phong cảnh đẹp và nét đặc trưng bản địa, phải nhìn nhận rằng chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao, thiếu vốn đầu tư phát triển du lịch, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, các giá trị văn hóa truyền thống đang có dấu hiệu bị mai một, suy giảm. Trong thời gian tới, địa phương cần tập trung cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách tham gia chương trình du lịch cộng đồng.
Trung tâm Thông tin du lịch