TP. Hồ Chí Minh bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch thân thiện môi trường

Cập nhật: 30/12/2024
(TITC) - Tại TP. Hồ Chí Minh, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa hướng đến phát triển du lịch thân thiện môi trường có ý nghĩa quan trọng khi thành phố đang hướng đến việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN).

Dinh Thống nhất - Ảnh: TITC

Hệ thống di sản văn hóa của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh khá đa dạng và phong phú, mang dấu ấn riêng, phản ánh được quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của nhiều thế hệ dân cư sinh sống. TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều địa điểm lịch sử, kiến trúc, văn hóa đặc sắc, như: Thảo cầm viên; Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Thành phố, chùa Gò, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng... đã trở thành “thương hiệu du lịch”, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

UBND Thành phố luôn thu hút du khách đến khám phá - Ảnh: TITC

Từ những đặc tính văn hóa sẵn có, du lịch như một chất liệu để bồi đắp cho các giá trị văn hóa thêm dày dạn. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều cá nhân, đơn vị sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh. Thành phố luôn khuyến khích người dân “chắt chiu cơ hội từng chút một” để thực hành du lịch bền vững...

Nếu như các khu du lịch sinh thái tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông du khách, thì nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân hoặc chương trình nghệ thuật lớn đã tiên phong trưng bày, trình diễn các loại hình di sản văn hóa. Di sản văn hóa còn là một nguồn lực quan trọng trong quá trình thu hút du khách nước ngoài đến thăm một vùng đất, thưởng ngoạn, nghiên cứu, trải nghiệm các di sản vật thể và phi vật thể. Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản. 

Nhà thờ Tân Định - Ảnh: TITC

Việc phát huy nguồn lực di sản văn hóa còn tạo động lực kéo theo sự phát triển của kết cấu hạ tầng, dịch vụ, mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động... Nhờ đó, du khách không chỉ hiểu thêm về các giá trị truyền thống của địa phương, mà còn có niềm tin trong việc chọn vùng đất hay địa phương làm điểm đến, làm nơi đầu tư đáng tin cậy.

Xu hướng du lịch hiện nay không thể tách khỏi xu hướng “du lịch chậm” và du khách có mong đợi được trải nghiệm một cách chân thật và sâu sắc để hòa mình vào các không gian sinh thái văn hóa, bản sắc tự nhiên và nhân văn đặc sắc của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có tình trạng thương mại hóa quá mức trong quá trình phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.

Du khách tham quan nhà thờ Đức Bà - Ảnh: TITC

Nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… Vì vậy, việc triển khai các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc cũng là cách thức đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách và phù hợp với xu thế chung của việc phát triển ngành kinh tế du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Cầu Ba Son hướng về Lanmark 81 - Ảnh: TITC

Thành phố kiến tạo các chuỗi cung ứng dịch vụ văn hóa bền vững và hướng đến việc vừa đa dạng hóa vừa đặc thù hóa các sản phẩm du lịch của các địa phương. Người dân lấy điểm tựa là các nguồn lực sẵn có để hình thành nên bản sắc riêng có và hình thành nên các cảm xúc rất “đời thường”, du khách sẽ chuyển hóa những hiểu biết tri giác của mình thành các hiểu biết sâu sắc và tích cực chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch thân thiện môi trường một cách tự nhiên và nhân văn.

Một số hình ảnh điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh:

Bến Nhà Rồng và cột cờ Thủ ngữ - Ảnh: TITC

Điểm đến tiêu biểu của Thành phố - Ảnh TITC

Trung tâm Thông tin du lịch