(TITC) - Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh. Để bảo đảm hài hoà giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ của Sở Văn hóa và Thể thao trong quá trình quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Toàn cảnh TP. Vũng Tàu - Ảnh: TITC
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, về lịch sử ghi dấu một thời mở cõi, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, cùng làng nghề lễ hội truyền thống... Cùng với đó tăng cường đầu tư, xây dựng trong việc triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, các dự án đầu tư, công trình trong khu vực bảo vệ di tích.
Tượng Chúa giang tay điểm đến thu hút rất đông khách du lịch - Ảnh: TITC
Với tiềm năng di tích danh thắng đa dạng về cảnh quan, phong phú về loại hình, thực sự là nguồn tài nguyên vô giá để mở ra các hoạt động văn hóa du lịch góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng không ngừng.
Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thường xuyên tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn bảo đảm nguồn thu từ công đức được chi cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 77 ngày 8/8/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Di tích lịch sử Bạch Dinh - Thành phố Vũng Tàu - Ảnh: TITC
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn, bao gồm việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Du khách tham quan trận địa pháo cổ Núi Lớn - Ảnh: TITC
Để di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội trở thành thế mạnh cần khai thác của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.
Con đường trên biển ra Hòn Bà luôn hấp dẫn du khách - Ảnh: TITC
Nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh kêu gọi các cấp chính quyền, đoàn thể và vận động nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm giáo dục truyền thống và phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Điểm check-in thú vị trên núi Lớn - Ảnh: TITC
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, đô thị hoá. Bên cạnh đó là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động di sản văn hóa theo địa bàn quản lý, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong di tích.
Trung tâm Thông tin du lịch