Tỉnh Hà Giang có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy… Cùng xu thế phát triển du lịch trong nước và toàn cầu, tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch xanh sẽ là hướng phát triển xuyên suốt đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa.
Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo; phát huy các di sản thiên nhiên cũng như những giá trị truyền thống của từng dân tộc. Du lịch Việt Nam nói chung, Hà Giang nói riêng, khi trở thành “điểm nóng” thu hút du khách nhưng thiếu sự chuẩn bị hạ tầng và tâm lý, thì lập tức phải đối mặt với việc hệ thống các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí phát triển quá nhanh, quá tải… du lịch phát triển “nóng” trong khi hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịchchưa theo kịp, dẫn đến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng dễ “né” hệ thống xử lý chất thải, trong khi túi nilon, chai lọ, vật dụng làm bằng nhựa xả khắp các điểm du lịch không được kiểm soát, gây suy giảm sức hấp dẫn điểm đến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch.
Các công ty du lịch lữ hành khảo sát điểm du lịch thôn Lũng Hầu, xã Thái An (Quản Bạ).
Xác định việc phát triển du lịch xanh, bền vững là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Hà Giang tập trung xây dựng 5 nhóm sản phẩm du lịch, gồm, nhóm sản phẩm cộng đồng; nhóm sản phẩm văn hóa; nhóm sản phẩm sinh thái, nghỉ dưỡng; nhóm sản phẩm thể thao, mạo hiểm; nhóm sản phẩm thương mại, biên giới. Đồng thời, tập trung phát triển các cơ sở lưu trú có vị trí, cảnh quan, không gian xanh, hài hòa với tự nhiên, có kiến trúc, thiết kế, bài trí và sử dụng trang thiết bị vật liệu thân thiện với môi trường; cơ sở dịch vụ ăn uống được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện đường bộ, đường thủy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo quy định, trong phạm vi khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên các phương tiện công cộng, sử dụng năng lượng không phát thải khí gây ô nhiễm; phát triển đa dạng trải nghiệm các loại hình di chuyển thông qua các phương tiện truyền thống tại các điểm du lịch; khuyến khích bán hàng OCOP địa phương, các mặt hàng nông sản, sản phẩm do địa phương sản xuất…
Du khách Check-in dốc Thẩm Mã.
Qua khảo sát thực tiễn tại tỉnh Hà Giang, ông Kenneth Wood, Trưởng nhóm Dự án du lịch Thuỵ Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, chia sẻ: Hà Giang là tỉnh được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ; những nét truyền thống đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc được lưu giữ và phát huy. Việc đưa Hà Giang trở thành điểm du lịch xanh và bền vững là rất phù hợp với định hướng cũng như chiến lược chung của toàn ngành và là xu hướng phát triển chung thế giới. Để thúc đẩy phát triển xây dựng thương hiệu “Hà Giang điểm đến du lịch xanh” các bên liên quan cần hỗ trợ ngành du lịch thông qua các hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ kĩ thuật trong việc triển khai các chính sách về du lịch; xây dựng các mô hình và quản lý điểm đến du lịch cộng đồng xanh; hỗ trợ các sáng kiến trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh, từ đó Hà Giang sẽ trở thành một trong những điểm du lịch xanh tiêu biểu của Việt Nam cũng như khu vực trong một ngày không xa.
Việc phát triển du lịch xanh sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến cảnh quan và hệ sinh thái địa phương, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; lưu giữ bản sắc văn hóa địa phương; tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng và sản phẩm thủ công truyền thống… do đó, phát triển du lịch xanh giúp xây dựng hình ảnh Hà Giang là một điểm đến thân thiện.
Bài ảnh: Hoàng Tuyến