Sáng 5/1, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định”. Sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức.
Võ cổ truyền Bình Định là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng với những triết lý sống về đạo đức, ý chí và nhân cách con người.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Võ cổ truyền Bình Định cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy không chỉ vì giá trị lịch sử, văn hóa mà còn vì triết lý sống mà nó mang lại.
Hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học quốc tế và trong nước cùng nhau nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là võ cổ truyền Bình Định. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một nhiệm vụ quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.
Đây không chỉ là cơ hội để bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai mà còn là dịp để giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam với thế giới, khẳng định vị thế của Bình Định và Việt Nam trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh Bình Định đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định. Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí duy trì, trao truyền và phát triển các lò võ tiêu biểu, câu lạc bộ võ thuật, cũng như đưa võ cổ truyền vào giảng dạy trong trường học. Các hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của võ cổ truyền Bình Định, tạo điều kiện phát triển thể dục, thể thao phong trào, và phát hiện những tài năng trẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội thảo.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí và chân dung các cố võ sư tiêu biểu. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công 8 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và quảng bá võ cổ truyền đến công chúng trong và ngoài nước.
Hội thảo lần này là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO. Đây còn là diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng làm rõ những vấn đề khoa học về võ cổ truyền từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.
Mục tiêu cao nhất của hội thảo là huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, bảo đảm sự phát triển bền vững của võ cổ truyền Bình Định.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương, cộng đồng chủ thể và các chuyên gia trong và ngoài nước, việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao, đồng thời đặt lên vai chúng ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các diễn giả có những trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình để làm rõ các nội dung, yêu cầu mà hội thảo đặt ra. Đặc biệt, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã có những trao đổi, cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng.
Đây là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của võ cổ truyền Bình Định, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa và quảng bá sâu rộng di sản võ thuật truyền thống.
Lương Tùng