Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn là nguồn tài nguyên quý giá của tỉnh Phú Thọ, với hệ động, thực vật phong phú, thời gian qua, VQG Xuân Sơn đã khai thác, phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, bài toán đặt ra cho VQG Xuân Sơn là đảm bảo khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ rừng và bảo tồn môi trường sinh thái.
VQG Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có diện tích vùng đệm 18.369 ha, trong đó diện tích vùng lõi là 15.048 ha, trong đó khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là 11.148 ha. Với nhiều giá trị đặc sắc về mặt cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, Xuân Sơn thu hút khoảng 30.000 lượt du khách tham quan với nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá rừng núi và hang động, nghiên cứu khoa học, hay nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên,...
Hoạt động đạp xe trải nghiệm khám phá tại VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Để thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, thời gian qua, VQG đã chú trọng triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, ký kết quy chế phối hợp với Công an huyện Tân Sơn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; quy chế phối hợp với kiểm lâm các huyện: Đà Bắc (Hòa Bình), Phù Yên (Sơn La) trong công tác bảo vệ rừng; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; ký giao ước thi đua với 6 xã vùng đệm về bảo đảm an ninh trật tự; giao khoán bảo vệ 6.500 ha rừng tự nhiên cho 16 cộng đồng thôn/bản với 1.635 hộ tham gia. Triển khai ký cam kết quản lý bảo vệ rừng VQG với các thành viên trong cộng đồng, tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, thường xuyên nắm bắt, cung cấp thông tin để các trạm kiểm lâm có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, kịp thời các hành vi xâm hại rừng.
VQG cũng chú trọng triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến mọi tầng lớp nhân dân, như: Xây dựng 4 biển tuyên truyền và 10 lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy rừng; phát bản tin cảnh báo cháy rừng vào 6 tháng mùa hanh khô tại 11 thôn vùng đệm kết hợp với tổ chức 200 lượt tuyên truyền lưu động; lắp đặt 9 biển tuyên truyền về rác thải, 10 thùng rác tại xã Xuân Sơn; in và phát 5.000 tờ gấp về bảo vệ môi trường,...
Cán bộ đội quản lý bảo vệ rừng VQG Xuân Sơn tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho người dân các xã vùng đệm.
Để nâng cao nhận thức của người dân địa phương và du khách về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tạo được tính lan tỏa rộng rãi đối với mọi tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Xuân Sơn, tiếp tục xây dựng mô hình trồng cây dược liệu Xạ đen tại khu vực văn phòng Trung tâm và Nhà sàn tại xóm Lấp, xã Xuân Sơn với số lượng 200 cây phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường; triển khai mô hình thu gom, xử lý và sử dụng rác thải hữu cơ tại Vườn quốc gia Xuân Sơn hướng đến tạo nguồn phân bón ổn định chăm sóc các mô hình cây dược liệu.
Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, du lịch sinh thái VQG Xuân đã chủ động, tích cực phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn huyện tổ chức 9 buổi tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn về bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã thông qua hình thức sân khấu hóa; tổ chức cuộc thi tìm hiểu giáo dục bảo vệ thiên nhiên, môi trường; lắp đặt 3 bảng tuyên truyền, giáo dục bảo vệ thiên nhiên tại các trường học thuộc vùng đệm VQG Xuân Sơn. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tài nguyên thiên nhiên, con người và du lịch VQG Xuân Sơn thông qua trang Fanpage của Trung tâm với 1.158 lượt người theo dõi trang trong năm 2024.
Cán bộ đội quản lý bảo vệ rừng VQG Xuân Sơn tuyên truyền về sự đa dạng thực vật trong VQG Xuân Sơn cho người dân
Ngoài ra, cũng triển khai nhiều chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ động, thực vật. Nổi bật là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác, phát triển bền vững chè Shan tuyết tại VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ”. Đề xuất thực hiện Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 “Bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu có giá trị tại VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ”.
Ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc VQG Xuân Sơn cho biết: "Phát triển du lịch tại VQG Xuân Sơn là xu hướng hợp lý, nhưng trong quá trình khai thác tài nguyên để phục vụ du lịch, cần đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh. Cần chú trọng bảo vệ nguồn nước sạch; thu gom, xử lý rác thải, xây dựng thêm các khu vệ sinh công cộng, tính toán hợp lý sức chịu tải của VQG nhằm hướng đến sự phát triển bền vững... Làm được điều này không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng, nhà quản lý mà còn cần sự hợp tác tích cực của người dân và khách du lịch".
Để đạt được sự phát triển bền vững, các giải pháp quản lý rừng cần tiếp tục được thực hiện một cách đồng bộ, từ việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động du lịch, tăng cường giám sát tài nguyên, đến việc nâng cao nhận thức của người dân và du khách. Đồng thời, cần có thêm các chính sách hỗ trợ kinh tế cho cộng đồng vùng đệm, giúp người dân vừa cải thiện sinh kế, vừa gắn bó hơn với công tác bảo vệ rừng.
Quan trọng hơn cả, mỗi du khách đến Xuân Sơn nên nhận thức rằng mình là một phần của hành trình bảo tồn. Tôn trọng thiên nhiên, giữ gìn môi trường sạch đẹp không chỉ giúp bảo vệ giá trị sinh thái mà còn tạo nên những trải nghiệm ý nghĩa và bền vững. Chỉ khi lợi ích bảo tồn được đặt lên trên lợi ích kinh tế, mới có thể gìn giữ Xuân Sơn như một viên ngọc xanh giữa đại ngàn và con người nhận về những giá trị của sự bền vững.
Quốc An