Một điểm đến kiểu mẫu về du lịch nông nghiệp sau hành trình dài thăng trầm đang dần thành hiện thực, với danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” vừa được trao cho làng rau Trà Quế (TP.Hội An, Quảng Nam).
Làng rau Trà Quế nhìn từ trên cao. Ảnh: H.S
Tìm lại chính mình
Không phải đến khi Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) công nhận là “làng du lịch tốt nhất” vào cuối năm 2024 thì làng rau Trà Quế mới “bước ra ánh sáng”. Làng rau này có thể xem là điểm đến du lịch nông nghiệp - nông thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào đầu thế kỷ 21.
Tour “một ngày làm nông dân” của làng rau Trà Quế thời điểm đó là sản phẩm du lịch nông thôn sáng tạo, được khách quốc tế cực kỳ yêu thích. Nhờ đó, làng rau Trà Quế thường được dẫn chứng như điển hình về phát triển du lịch nông thôn trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, sau hơn chục năm, điểm đến này bắt đầu rơi vào chu kỳ suy thoái. Lý do, theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, bất kỳ sản phẩm du lịch nào cũng có vòng đời và nếu không đổi mới thì tất yếu rơi vào bão hòa và suy thoái.
Giai đoạn 2015 - 2019, dù hầu hết điểm đến ở Hội An có lượng tăng trưởng ấn tượng thì có những thời điểm, lượng khách đến Trà Quế chạm đáy. Nhận thức được nguy cơ tụt hậu, tháng 9/2019, UBND TP.Hội An phê duyệt phương án “Phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế” để củng cố, cải thiện điểm đến.
Từ đầu năm 2020, điểm tham quan làng rau chính thức khai trương với mức vé 35 nghìn đồng với nhiều hoạt động trải nghiệm đặc sắc hơn. Những chuyển động tích cực dần trở lại.
Năm 2023 làng rau Trà Quế đón hơn 25 nghìn lượt khách và đạt hơn 30 nghìn lượt vào năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, việc đón từ 25 - 30 nghìn lượt khách mỗi năm đến làng rau Trà Quế cũng đã là khá lớn nhưng vừa với sức chứa điểm đến này để phát triển bền vững. Điều Trà Quế cần là định vị thị trường khách mục tiêu phù hợp để nâng cao giá trị kinh tế mang lại cho cộng đồng, điểm đến.
Đón nhận danh hiệu “làng du lịch tốt nhất” từ UN Tourism có thể xem “quả ngọt”, sự tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực thích ứng, làm mới điểm đến của Trà Quế.
Nền tảng cho tương lai
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, việc bình chọn danh hiệu “làng du lịch tốt nhất thế giới” của UN Tourism rất khắt khe. Do vậy, việc làng rau Trà Quế được công nhận là làng du lịch tốt nhất sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tốt cho điểm đến này.
Làng rau Trà Quế hiện mỗi năm thu hút khoảng 25 - 30 nghìn khách. Ảnh: H.S
“Tuy nhiên làng du lịch tốt nhất không đồng nghĩa với việc Trà Quế đã là làng du lịch hoàn hảo. Việc được đưa vào mạng lưới các làng du lịch tốt nhất sẽ giúp Trà Quế có thêm những tham chiếu để tiếp tục hoàn thiện, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn thế giới”, ông Hồ An Phong nói.
Ông Đặng Xuân Sơn - chuyên gia về sản phẩm và tiếp thị điểm đến của Dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) cho rằng, khi đã trở thành một trong những “làng du lịch tốt nhất”, cần tiếp tục định vị làng rau Trà Quế nói riêng và du lịch khu vực Cẩm Hà nói chung theo hướng nguyên bản - điểm đến với vẻ đẹp nguyên sơ và bình yên. Vẻ đẹp này phản ánh cả hơi thở truyền thống lẫn nền tảng phát triển bền vững về lâu dài.
“Xung quanh làng rau Trà Quế bước đầu đã thiết lập được một số sản phẩm được du khách đón nhận. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm mạng lưới sản phẩm du lịch thể thao trên đầm Trà Quế, mở phiên chợ nông sản, phát triển các loài thảo dược bản địa, tăng cường trải nghiệm nông nghiệp, tạo không gian cho hoạt động thiền, khuyến khích phát triển homestay truyền thống… và phải dừng ngay việc bê tông hóa điểm đến này”, ông Đặng Xuân Sơn nhận định.
Dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” cũng lựa chọn Trà Quế là điểm đến hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp và các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Điều này giúp Cẩm Hà nói chung và làng rau Trà Quế nói riêng có thêm nền tảng để phát triển bền vững.
Một “hệ sinh thái” tự nhiên - xã hội ở khu vực này đang dần tạo thành chuỗi giá trị du lịch đặc sắc cung cấp cho du khách như: trải nghiệm hoạt động văn hóa - nông nghiệp - làng nghề, lưu trú, ẩm thực…
Hiệu ứng từ “làng du lịch tốt nhất” của UN Tourism dành cho Trà Quế vượt ra ngoài một danh hiệu. Nó sẽ lan tỏa cảm hứng để các điểm du lịch nông thôn khác của Quảng Nam chuyển động và là động lực để Trà Quế hoàn thiện mình cho chặng đường tiếp theo.
Trà Quế chỉ là bước khởi đầu. Sẽ thật tuyệt vời nếu trong tương lai, Quảng Nam trở thành điểm hẹn hấp dẫn với một mạng lưới làng du lịch đặc sắc, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách…
Ông Lê Văn Nhẽ, 63 tuổi (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà) cho biết, làng rau Trà Quế được vinh danh “làng du lịch tốt nhất” là niềm vui của người làng. “Bên cạnh danh hiệu, điều mà làng Trà Quế cũng rất cần từ cơ quan chức năng là hỗ trợ bảo tồn, phát huy nội lực của làng để làng nghề này tồn tại.
Trong đó vấn đề bảo vệ môi trường, cụ thể là gìn giữ sự trong lành của mạch nước ngầm là rất đáng quan tâm. Chính quyền địa phương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ đối với việc xả thải từ các hoạt động xã hội, dân sinh, nhất là từ các nhà hàng bao quanh làng. Mạch nước chính là nguồn cơn để có hương vị đặc trưng đã thành thương hiệu của rau Trà Quế.
Chính quyền cũng cần nghiên cứu hỗ trợ, bố trí cho người dân làng Trà Quế có một không gian hợp lý để được buôn bán rau xung quanh khu vực chợ Hội An. Điều này vừa giúp người dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vừa tạo ra một nét đặc trưng về văn hóa” - ông Lê Văn Nhẽ nói.
|
Phạm Quốc