Khi đến với Kon Tum, ngoài tham quan cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, phần lớn du khách còn rất thích thú tìm hiểu các lễ hội, văn hóa, bản sắc truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ; các địa điểm, công trình về văn hóa gắn với tâm linh, tôn giáo, lịch sử cách mạng truyền thống.
Hiện tỉnh Kon Tum phát triển hiệu quả nhiều sản phẩm liên quan đến du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp tham quan các công trình văn hóa tôn giáo như: Chùa, Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục Kon Tum; du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng với hệ thống các điểm du lịch độc đáo như: Bảo tàng tỉnh, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Khu di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen, Di tích lịch sử Điểm cao 1015, 1049; cầu treo, nhà rông Kon Klor.
Đặc biệt, với cộng đồng 7 DTTS sinh sống lâu đời trên địa bàn (chiếm gần 55% tổng dân số toàn tỉnh), tỉnh Kon Tum còn sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đã định hướng, hỗ trợ người dân bảo tồn, phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương; thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang, truyền nghề truyền thống, trực tiếp biểu diễn, thực hành để du khách trải nghiệm và mua các sản phẩm làm ra. Qua đó, góp phần đưa tỉnh Kon Tum trở thành điểm đến khám phá văn hóa không thể thiếu của du khách trên hành trình du lịch đến Kon Tum.
Các mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian phát triển hiệu quả giúp thu hút du khách, phát triển du lịch tại địa phương. Ảnh: H.T
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 32 làng văn hóa, điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư xây dựng; trong đó có 14 điểm đã được công nhận cấp tỉnh. Tiêu biểu như điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum), làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); du lịch sinh thái, trải nghiệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy); làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi); làng Kon Chênh, làng Vi Rơ Ngheo, làng KonPring (huyện Kon Plông); làng Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông); làng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà)…
Huyện Sa Thầy là một trong những địa phương khai thác hiệu quả các yếu tố văn hóa để phát triển du lịch. Địa phương này đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ người dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu ghè; hình thành các sản phẩm từ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới để quảng bá, hỗ trợ đưa các sản phẩm đến với du khách và người dân khắp cả nước.
Ông Siu Quyết ở làng Tum, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) là một trong những nghệ nhân có tiếng tại địa phương về đan lát truyền thống.
Đã có thời gian dài ông Siu Quyết bỏ nghề, vì các sản phẩm đan lát do ông làm ra không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống cộng đồng, sản phẩm làm ra bán không được nhiều, thu nhập thấp. Nhưng thời gian gần đây, với sự định hướng, hỗ trợ của địa phương trong bảo tồn, phát triển văn hóa, ông đã trở lại với nghề đan lát truyền thống của gia đình và vận động lớp trẻ trong làng học nghề để gìn giữ bản sắc của dân tộc, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Siu Quyết chia sẻ: Các sản phẩm gùi tôi làm ra hiện đã bán được cho nhiều du khách và người dân địa phương đặt mua với giá thành cao và ổn định hơn trước, mỗi tháng cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia biểu diễn, chia sẻ, truyền nghề tại mỗi sự kiện do địa phương tổ chức. Người dân trong làng cũng bắt đầu phục dựng và làm lại các nghề truyền thống của cha ông để phục vụ, biểu diễn cho du khách tới xem.
Du khách trải nghiệm, khám phá nhạc cụ truyền thống tại Kon Tum. Ảnh: HT
Thời gian qua, việc khai thác và phát huy giá trị các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian cũng đã góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm du lịch, trải nghiệm văn hóa hấp dẫn thu hút du khách đến tỉnh. Điển hình như CLB Văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) đã tập hợp được đông đảo các thành viên ở mọi lứa tuổi từ trẻ đến già tham gia tập luyện, biểu diễn. Với những nghệ sĩ “cây nhà lá vườn”, các thành viên trong CLB đã hăng say tập luyện nhiều tiết mục đậm bản sắc của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch.
Nghệ nhân ưu tú A Thuih - Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi cho biết: Từ khi thành lập đến nay, CLB Văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi đã không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung tập luyện, tích cực sưu tầm, sáng tác nhiều tiết mục biểu diễn về cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, hát dân ca với nội dung phong phú, đa dạng để phù hợp với từng đoàn khách đến tham quan. Qua đó, giúp CLB có thêm thu nhập để duy trì sinh hoạt và góp phần quảng bá du lịch địa phương.
Theo ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL những kết quả có được đến hiện tại là nhờ tình yêu, ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của người dân địa phương ngày một nâng cao. Đó là nhờ các ngành, các cấp đã có những chính sách hiệu quả trong tuyên truyền, vận động, khuyến khích động viên, tổ chức nhiều hoạt động để bà con nhân dân các DTTS trên địa bàn có điều kiện lưu giữ văn hóa truyền thống. Những giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc, đa dạng, sự thân thiện mến khách của người dân địa phương luôn là những giá trị bền vững, góp phần nâng tầm du lịch, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Hoàng Thanh