Quảng Nam: Kiến tạo sinh kế với du lịch sinh thái - nhìn từ một dự án ở Hội An

Cập nhật: 20/01/2025
Kiến tạo sinh kế gắn với phát triển bền vững là một trong những thành quả nổi bật của Dự án phát triển mô hình sinh kế kết hợp du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Với sinh kế từ hoạt động du lịch sinh thái, người dân Cẩm Kim đã giảm thiểu tối đa việc khai thác thủy sản không bền vững trên sông Phước Trung. Ảnh: Q.T

Dự án nhỏ, hiệu quả lớn

Dự án phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An (gọi tắt là dự án) được triển khai tại xã Cẩm Kim và xã Cẩm Thanh (TP.Hội An, Quảng Nam).

Đây là dự án tài trợ nhỏ thuộc Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP Việt Nam.

Thực hiện trong 2 năm (2023 - 2024), đến nay dự án đã kết thúc với 100% vốn tài trợ được giải ngân hiệu quả. Báo cáo chỉ số cuối kỳ dự án cho thấy, có 800 hộ dân ở 2 xã Cẩm Thanh và Cẩm Kim đã được hưởng lợi trực tiếp từ việc triển khai dự án (vượt 250% kế hoạch đề ra).

Trong số này, tỷ lệ phụ nữ được hưởng lợi từ dự án chiếm 46%. Tính lan tỏa của dự án còn thể hiện qua việc tổng kinh phí của dự án hơn 5,1 tỷ đồng nhưng con số cuối cùng khi kết thúc dự án là hơn 17 tỷ đồng với các nguồn tài trợ và sự đóng góp của các bên liên quan.

Bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An (đơn vị điều hành dự án) cho hay, dự án đạt được mục tiêu chung, nhất là bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Cạnh đó sinh kế người dân được xây dựng trên cơ sở quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường, phát triển và nâng cao năng lực tổ chức xây dựng làng nghề truyền thống, làng nông nghiệp sinh thái, hướng đến phát triển du lịch làng quê bền vững.

Ông Nguyễn Văn Sảng - chuyên gia độc lập của dự án đánh giá, dự án này rất phù hợp với điều kiện của địa phương; phản ánh ưu tiên của quốc gia và tỉnh Quảng Nam cũng như nguyện vọng của người dân trong việc xây dựng các cộng đồng bảo tồn, điểm du lịch sinh thái, thúc đẩy mô hình sinh kế bền vững dựa trên các nguồn tài nguyên bản địa.

“Tuy quy mô dự án nhỏ nhưng tính lan tỏa rộng. Vì vậy trong tương lai gần cần có giải pháp lồng ghép với các dự án ở cấp cao hơn thì sẽ có nhiều nguồn lực để duy trì và mở rộng. Cạnh đó, các dự án tương tự tới đây cũng cần xây dựng mục tiêu trung hạn, dài hạn để làm đích phấn đấu theo từng cột mốc thời gian” - ông Sảng khuyến nghị.

“Chìa khóa” từ sinh kế bền vững

Những kết quả tích cực từ dự án được đánh giá theo nhiều tiêu chí, tuy nhiên có thể nhận thấy việc tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng là yếu tố tiên quyết để dự án lan tỏa sâu rộng.

Dự án đã giúp thúc đẩy hoạt động du lịch học tập ở 2 xã Cẩm Kim và Cẩm Thanh (TP.Hội An, Quảng Nam). Ảnh: Q.T

Qua 2 năm triển khai, dự án này đã gầy dựng được nhiều mô hình sinh kế như: Nhóm cộng đồng, doanh nghiệp du lịch thuyền thúng tại thôn Thanh Tam, Cẩm Thanh; Tổ hợp tác du lịch cộng đồng và bảo tồn nguồn lợi thủy sản Gò Hý, Cẩm Thanh; Nhóm cộng đồng làng nông nghiệp tại thôn Thanh Đông, Cẩm Thanh; Nhóm ngư nghiệp và các cơ sở du lịch tại thôn Phước Trung, Cẩm Kim…

Hiện tại, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Gò Hý có 5 tổ tham gia gồm tổ bơi thúng, tổ chằm lá dừa, tổ nấu ăn, tổ làm lồng đèn và tổ tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nhờ vào tác động của dự án, đã có 12 hộ thực hiện chuyển đổi nghề lưới lồng, người dân khu vực Gò Hý (Cẩm Thanh) cũng thống nhất không thả lưới lồng trong khu vực cần được khoanh vùng bảo vệ. Đặc biệt không khai thác với bất kỳ hình thức nào từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hằng năm.

Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, tuần tra kiểm soát để ngăn chặn các đối tượng khác khai thác bằng các hình thức như xung điện, kích điện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo đại diện Tổ hợp tác du lịch cộng đồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Gò Hý, mô hình này dần đi vào hoạt động, bước đầu đón được một số đoàn khách đến tham quan trải nghiệm. Qua đó giúp người dân có thêm thu nhập, tạo động lực tiếp tục gắn bó dù dự án đã kết thúc.

Bà Bùi Thị Kim Cúc - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) cho biết, sau khi tham gia HTX, người dân đã bỏ hẳn nghề giã cào trên biển, giảm nghề lưới lồng trên sông qua từng giai đoạn.

Trong đó có việc giảm nửa dòng sông không đánh bắt lưới lồng, chuyển nghề ra ngoài sông lớn để khu vực con non phát triển. Trong giai đoạn tới, người dân sẽ giảm tối đa khai thác tại một số khu vực như hói Ông Một, phần trên cầu sắt và khu vực trước trung tâm, bến đón tiếp khách. Tiến tới giai đoạn có nguồn khách thường xuyên và thu nhập ổn định thì toàn bộ khu vực trên sông Phước Trung sẽ nghỉ hẳn các phương pháp khai thác không bền vững.

Quốc Tuấn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 16/01/2025