Thiên nhiên kỳ vĩ, tiếng chuông chùa điểm vào thinh không, mây trời bảng lảng soi bóng nước. Thiên nhiên hữu tình, lòng người đắm say, thân - tâm thức tỉnh… Tam Chúc đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Cách Hà Nội khoảng 60 km về phía Nam, quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Với diện tích hơn 5.100 ha, là một trong những khu du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam, Tam Chúc được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” nhờ cảnh quan hùng vĩ, hòa quyện giữa núi, hồ và các công trình kiến trúc độc đáo mang hơi hướng Phật giáo.
Tam Chúc được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”
Được khởi tạo bởi vùng núi đá vôi ngập nước với vẻ đẹp hoang sơ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh. Dưới lòng hồ, sáu quả núi nhô lên in hình bóng nước. Với thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ, xưa nay Tam Chúc vốn được mệnh danh vùng đất thiêng, vùng đất địa linh.
Được ví như trái tim của quần thể đặc biệt này, chùa Tam Chúc được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự có niên đại hơn 1.000 năm. Tại đây, lễ hội Tam Chúc được phục dựng lại theo tích cổ cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản: Chùa Vàng - Tràng An - Cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính - Vân Long (Ninh Bình) - chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương Sơn - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ngôi chùa không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn được biết đến là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới - nơi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo. Nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện mang tính quốc tế như Đại lễ Vesak 2019; Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản,…
Một đặc điểm độc đáo, Tam Chúc không chỉ là nơi lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là bảo tàng thiên nhiên về đa dạng sinh học. Hiện, khu bảo tồn loài voọc mông trắng cùng các loài sinh vật cảnh khác ở Tam Chúc có diện tích lên tới hơn 3.100 ha. Đây là một trong những loài động vật quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt.
Thiên nhiên hòa hợp, cảnh sắc đắm say như đưa con người về với sự an yên, tĩnh tại, về với chốn bình yên để thức tỉnh và chữa lành thân - tâm, hướng đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Trong một không gian trong lành, thánh thiện, từ trên các du thuyền, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn hàng vạn cá thể cò, vạc dập dìu giữa hồ Lục Nhạc, cảm nhận sự giao hòa giữa thiên nhiên và trời đất, cảm nhận nơi sự hùng vĩ và dịu dàng của thiên nhiên gặp gỡ, đưa con người vào một thế giới thanh tịnh, yên ả. Buông bỏ mọi chấp niệm, bên ánh hoàng hôn tại sân điện Tam thế, ta được hòa mình trong thiền trà, thiên chuông đầy mới lạ. Bằng sự kết hợp độc đáo giữa thiền định và âm thanh của chuông chùa, trải nghiệm giúp du khách tìm lại được sự bình yên, cân bằng trong tâm hồn. Diễn ra trong không gian yên tĩnh của chùa Tam Chúc, nơi núi non hùng vĩ bao quanh, thiền chuông mang đến không khí linh thiêng và tĩnh lặng, một điều kiện lý tưởng cho việc tập trung tâm trí và rèn luyện sự tĩnh tâm.
Không chỉ là điểm đến tâm linh nổi bật, nhờ thiên nhiên ưu ái, Tam Chúc còn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Khu khách xá Tam Chúc với thiết kế tinh tế, mang đậm nét truyền thống, du khách sẽ được trải nghiệm 160 phòng tiêu chuẩn 4 sao, bao gồm phòng tổng thống và phòng hội nghị có sức chứa 400 chỗ, phù hợp với đoàn khách MICE.
Ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 526/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Theo đó, diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc là 4.000 ha.
Mục tiêu phát triển chung là đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc và cả nước.
Nam Giao