Bạn muốn thực hiện một chuyến du lịch biển đảo? Bạn muốn lạc vào một chốn hoang sơ thi vị? Hãy mang balô và đến với Cù Lao Xanh. Đến để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá nhiều điều thú vị khác.
Chúng tôi xuống bến Hàm Tử rồi lên đò đi Cù Lao Xanh, tức xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn. Ra đến cửa Thị Nại, bạn không thể không ngước mắt chiêm ngưỡng tượng đài Đức Thánh Trần và ngọn hải đăng Phước Mai. Hải đăng này được người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm, cao 8m tính từ mặt đất và 52m so với mặt nước biển; như một tín hiệu mời chào và tạm biệt tàu thuyền cùng mọi người ra vào thành phố.
Ngồi trên boong ngắm trời biển và may mắn tận hưởng một ngày đẹp trời. Công nghệ đã cho những kẻ thích xê dịch một thú vui mới - chỉ cần với thông tin là một cái chấm trên bản đồ hay tọa độ của nó, dùng máy GPS (hệ thống thông tin toàn cầu) để xác định hướng đi và khoảng cách đến một nơi nào đó. Cù Lao Xanh cách điểm gần bờ biển nhất khoảng 6km, nhưng chúng tôi không khởi hành từ đó, mà xuất phát qua cửa Thị Nại nên máy cho thông tin là phải đi một quãng đường 17km và với tốc độ đò chạy như hiện tại thì khoảng gần 2 giờ nữa là đến điểm đầu bờ Bắc của đảo. Và chúng tôi cứ mở máy để xem đò đang tiến dần về đảo còn cách bao xa như thế.
Cù Lao Xanh đúng là xanh! Trời xanh, biển xanh và đảo cũng xanh. Tới nơi đã gần chiều, qua một chuyến đò ngang nữa chúng tôi đặt chân lên đảo. Trình giấy chứng minh ở Trạm biên phòng, chúng tôi đến một nhà dân để xin lưu lại vài ngày.
Sau khi ổn định được chỗ ở, chúng tôi bắt đầu khám phá đảo. Khu dân cư được bao giữa hai dãy núi phía Tây và phía Đông. Hải đăng đứng trên một ngọn núi phía Đông là điểm đầu tiên chúng tôi muốn đến, từ chân núi đi lên đỉnh mất chừng nửa tiếng. Tháp đèn có dạng hình trụ tròn, chiều cao từ mặt đất đến tâm đèn là 17m và từ mặt biển đến tâm là 118m. Người đi biển dựa vào tín hiệu đèn của các ngọn hải đăng để định hướng hành trình và xác định vị trí của tàu thuyền.
Cạnh ngọn hải đăng là nhà làm việc hai tầng, thật không thể tin được có một tòa nhà đẹp đến thế được xây dựng cách đây hơn 100 năm tọa lạc ở đây. Từ đây nhìn được toàn bộ khu vực đảo và chiêm ngưỡng được toàn cảnh biển bao la phía xa, trong lòng chợt phóng khoáng như một câu thơ: “Muốn nhìn xa nghìn dặm, lên nữa một tầng lầu”.
Men xuống theo hướng Tây Bắc của ngọn hải đăng là suối Giếng Tiên. Tên suối này xuất phát từ một tương truyền rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời xuống đây để du ngoạn. Các nàng tiên rủ nhau cởi xiêm áo, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời. Có dịp tới đây, bạn nên một lần tắm "tiên", cảm được cái mằn mặn của biển và cái ngòn ngọt của nước suối!
Chiều về chúng tôi ngắm hoàng hôn trên cầu cảng. Người dân đảo chân chất. Nhiều gia đình ngồi nói chuyện và vá lưới ngay trên bãi Nam. Mấy em nhỏ hồn nhiên tắm, Những chiếc thuyền dập dềnh bên một buổi chiều bình yên.
Ngày hôm sau, chúng tôi khám phá bờ Bắc của đảo. Một con đường xi măng dài chừng 3km dẫn bạn vào một khung cảnh hoang vắng.
Bước chân qua khóm dứa, chùm hoa dại trên đường. Ngắm nhìn những hòn đá đủ hình thù, rồi dõi mắt theo những đôi chân nhảy nhót của chim biển… bạn sẽ thực sự tan biến vào thiên nhiên tươi đẹp.
Anh Minh - một người dân địa phương chỉ về một bãi cát và cho biết: “Mới năm ngoái có con rùa dài hơn một mét, lên đây đẻ. Tui lượm được gần 200 trứng, trứng nhỏ như quả bóng bàn..”. Tôi bảo anh, rùa biển ở Quy Nhơn mình đang có nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta cần bảo vệ và không nên thu lượm trứng. Tôi hẹn anh và mong có một dịp nào đó sẽ ra đảo coi rùa nở, xem một bầy 200 rùa con bò xỏa trên bờ cát về với biển, nếu mỗi chúng ta có ý thức bảo tồn chúng!
Có một truyền thuyết nói rằng khi bạn nhỏ một giọt máu trên đường thì bên đường sẽ nở một bông hoa dại. Tôi đã lỡ chạm tay nhỏ một giọt máu vào lá chà là, vậy là sau khi chúng mình đi qua, có lẽ không ít hoa sẽ nở dọc con đường này.
Khi đã mỏi chân, hãy nghỉ bên ghềnh đá. Nhớ đem theo cần để thả câu kiếm cá, lội nước bắt một ít ốc vú nàng. Kiếm củi rừng, nướng ngay tại chỗ… bạn sẽ cảm nhận được những giây phút thật sảng khoái bên bạn bè.
Đi là để yêu, yêu con người, yêu quê hương và yêu chính cả bản thân mình nữa. Và không biết từ bao giờ Cù Lao Xanh đã trở thành một nơi mà những kẻ “giang hồ" đất Bình Định ước ao một lần đặt chân đến trong đời với trời xanh, biển xanh và một cù lao xanh.