Khánh Hòa: Khám phá Yang Bay – Thác Trời

Cập nhật: 28/01/2010
Để đến khu du lịch Yang Bay (buôn Y Bay, Phước Thượng, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), từ thành phố Nha Trang đi về phía tây, băng qua thành cổ Diên Khánh rồi đi tiếp khoảng 40km, xuyên qua những xóm làng thưa thớt. Con đường đến đây có quá nhiều ngã ba ngã tư mà chỉ có duy nhất một tấm bảng chỉ đường đi Yang Bay nên chúng tôi phải dừng xe nhiều lần hỏi thăm người dân.

Theo một nhân viên của khu du lịch giải thích thì Yang Bay là tiếng đồng bào dân tộc Răglay, có nghĩa là Thác Trời. Ngọn thác ầm ào đổ tràn xuống những tảng đá nối hàng ngang chừng vài trăm mét rồi tuôn xuống triền đá bên dưới thành ngọn thác khá đẹp mắt.

Tuy nhiên, nhiều người ở Nha Trang cho biết là thác Yang Bay ngày xưa, khi còn nguyên cảnh vật thiên nhiên hoang dã trông đẹp hơn. Một nhà nhiếp ảnh ở Nha Trang nói: "Ở Sài Gòn người ta phải làm giả bãi biển và thác nước; còn Khánh Hòa lại biến hải đảo và suối rừng, thác nước thiên nhiên thành đô thị. Cảnh Yang Bay ngày nay trông như một mô hình "non bộ" hoành tráng, mất đi cái duyên của chốn đại ngàn".

Công viên du lịch Yang Bay xây dựng trên diện tích 570 héc ta vốn là rừng nguyên sinh, có đến ba thác: Yang Bay, Yang Khang và Ho Cho. Tại cổng có bãi đậu xe rộng. Giá vé vào cổng 30.000đ/người lớn, trẻ em 30.000đ/2 em.

Từ cổng vào bên trong (khoảng 800 mét là đến lối rẽ xuống suối), du khách muốn đi bộ thì xin cứ thoải mái, dọc đường có nhiều vòm mái nghỉ chân được trồng các loại dây leo như: cát đằng, huỳnh anh, bông tỏi, kim ngân… Nếu khách muốn đi xe điện, chỉ tốn 10.000đ (khứ hồi). Xe điện chạy chầm chậm trên con đường nhựa khá rộng.

Theo con dốc thoai thoải, đi dọc triền thác trên những tảng đá to, những bậc cấp có tay vịn vì nước rỉ ra từ sườn núi có thể làm trơn bậc đá, chẳng mấy chốc là tới thác chính Yang Bay. Rất cẩn thận, một vệ sĩ luôn đi theo bên bạn, đề phòng bất trắc cũng như nhắc nhở khách không được tựa người vào hàng dây giăng triền thác. Nước từ thác Yang Bay ầm ào đổ xuống nhiều hồ nhỏ, trong đó có hồ Voi Đầm sâu 16m, nơi có giăng dây bảo hiểm.

Chặn ngang con suối là đập tràn xây xi măng và những hòn đá tảng tự nhiên nối liền hai bờ thác. Nước tràn qua đập chỉ ngập mắt cá chân, nhưng khi đặt bước xuống, nhiều người phải rùng mình vì nước rất lạnh. Những bước chân tiếp theo băng qua con đập dài 30m, bạn sẽ có cảm giác thật sảng khoái, thú vị với làn nước trong veo, mát lạnh bàn chân. Bên kia con đập là nhà hàng Yang Khang, giá thức ăn cũng như các hàng quán khác ở Nha Trang.

Cạnh nhà hàng là thác Yang Khang. Tuy nhỏ nhưng Yang Khang có hồ không sâu, là nơi khách tha hồ đắm mình trong làn nước lạnh hoặc nhờ dòng thác “massage” cho cơ thể đỡ mỏi mệt sau chặng đường lội bộ, leo dốc. Tại đây, có dịch vụ cho thuê phao 5.000đ, quần tắm nam 60.000đ, đồ tắm nữ 70.000đ.

Tới chừng trăm mét là một hồ rộng nghe nói dành nuôi cá sấu nước ngọt. Thế nhưng chẳng thấy con nào. Nước hồ xanh màu rêu, giữa hồ có một ốc đảo nhỏ rậm rạp cây cỏ hoang. Gần đó là vòng thành cao như ngọn đồi, có bậc thang lên để quan sát gấu. Lòng thành cũng ngập cây cỏ hoang dại. Có 20 con gấu nhốt trong những chiếc lồng chật bó trong vòng thành tỏa mùi hôi.

Thêm vài trăm thước là tới khu vực thác Ho Cho. Mấy công nhân trồng hoa cỏ tạo cảnh quan khá đẹp trên sườn núi. Khu vực này đang xây dựng để đưa vào hoạt động chính thức trong nay mai. Nghe nói Yang Bay còn nhiều điều hấp dẫn để khám phá, như vào rừng nguyên sinh, thăm hang chiến khu H1, H2, khe Sửng Sốt, tắm bãi Tiên, dùng cơm lam, heo đen quay, thịt nướng… Còn nữa, đêm Yang Bay rộn ràng tiếng đàn đá Khánh Sơn với lửa trại cồng chiêng của đồng bào dân tộc Răglay, T’rin, Tày,… phục vụ du khách.

Trở ra cổng, chúng tôi ghé vào quầy hàng lưu niệm. Vẫn là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ như các điểm du lịch khác. Riêng có một thứ khiến chúng tôi quan tâm là da voi. Da voi cắt miếng cỡ bao diêm, giá 100.000đ/miếng; sợi dây nịt da voi 110.000đ/chiếc; bóp da voi 120.000đ/chiếc. Khi tôi tỏ vẻ nghi ngờ vì theo tôi thì da voi không thể có màu vàng như vậy, người bán hàng nói là đảm bảo hàng làm bằng da voi thật.

Lên xe ra về, tôi thực sự băn khoăn, chẳng lẽ những nhà kinh doanh du lịch ở đó không hiểu rằng loài voi đang cần được bảo vệ tránh nguy cơ diệt chủng, hay họ cho rằng tiêu thụ da voi khác với mua bán ngà voi chăng?!.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn