Theo kế hoạch, bước sang năm mới 2010, các nhà hoạch định chiến lược sẽ bắt tay vào việc thực hiện tour du lịch xanh, du lịch văn hóa – lịch sử đến với miền đất Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).
Có thể nói, đã từ lâu, vùng đất huyền bí này cùng với đại ngàn Cát Tiên là miền trầm tích du lịch đợi chờ sự khám phá của những người làm du lịch.
Cát Tiên nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, cách thành phố du lịch Đà Lạt khoảng 200km. Khi nhắc đến Cát Tiên, người ta nghĩ ngay đến một vườn quốc gia có những giá trị khá đặc biệt, trải rộng trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước; trong đó, phần nằm trên đất Lâm Đồng chiếm đến 306km2 (trong tổng số 739km2 của cả Vườn). Với 50% diện tích là rừng cây xanh và 40% là rừng tre nứa, Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi sinh sống của nhiều loài động vật đặc trưng và quý hiếm (trong đó có không ít loài được xếp vào nguy cơ tuyệt chủng) như tê giác một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, báo hoa mai, báo gấm, đại bàng đen, vịt trời cánh trắng... Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” và hiện đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Vùng đất Cát Tiên từ lâu còn được du khách biết tiếng bởi nơi này còn có một thánh địa bí ẩn bị vùi chôn trong lòng đất hiện đang dần được hé lộ. Được phát hiện từ năm 1985, đến nay, theo xác định của các nhà chuyên môn, thánh địa Cát Tiên nằm trên một địa bàn rộng đến vài trăm hecta và trải dài khoảng 15km dọc theo sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Sau nhiều lần khai quật, các nhà khoa học xác định di tích Cát Tiên có một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo với nhiều dạng: đền tháp, mộ tháp, đài thờ... Về hiện vật, hiện đã có khoảng 1.140 hiện vật các loại được tìm thấy tại đây; với nhiều chất liệu, hình dáng, công năng... như kim loại vàng (các mảnh phù điêu, nhẫn, linga nhỏ...), thiếc, bạc (bình, vò...), đồng (chũm chọe, chuông, vòng, nhẫn, mặt người, khuôn đúc...), sắt (giáo, đao...) đá thường và đá quý (tượng thờ, linga, yoni, mí cửa, rìu...)...
Năm 1997, Nhà nước đã công nhận thánh địa Cát Tiên là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Từ đó đến nay, Nhà nước đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ. Du khách đến Cát Tiên là được đến với một vùng đất đầy huyền thoại, đến với những giá trị về văn hóa – lịch sử của thánh địa Cát Tiên. Và không chỉ có thế, đến với Cát Tiên, du khách còn có cơ hội đến với thiên nhiên hoang dã và kỳ thú; tham gia các hoạt động du lịch như bơi thuyền từ chân thác Chín Tầng trên đoạn sông 9km đến Phước Cát II với dọc hai bên bờ sông là cả một vùng rừng nguyên sinh; đi thăm sóc Bom Bo nổi tiếng của vùng căn cứ kháng chiến Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước); đi bộ xuyên rừng ban đêm tìm cảm giác thú vị và tìm hiểu cuộc sống của nhiều loài động vật hoang dã.
Theo quy hoạch mới đây của tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2010, Cát Tiên là một trong những điểm du lịch sẽ được khai thác một cách có hiệu quả hơn. Trong tương lai không xa, Cát Tiên sẽ là điểm đến của du lịch xanh, du lịch văn hóa – lịch sử kỳ thú dành cho du khách.