Du ký hồ Biển Lạc

Cập nhật: 03/02/2010
Biển Lạc gắn liền với vùng đất Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Cái tên Biển Lạc mới nghe thôi đã gợi trong chúng tôi sức hấp dẫn lạ kỳ của một địa danh huyền thoại. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối năm 2009, chúng tôi mới có dịp “lạc” vào giữa lòng hồ đẹp nhất vùng đất này.

Hồ  Biển Lạc thuộc xã Gia An (huyện Tánh Linh) cách Phan Thiết chừng 100 cây số. Từ trung tâm xã Gia An, muốn vào hồ Biển Lạc, phải đi qua một con đường đất gồ ghề. Trên đoạn đường này, mọi người có thể nhìn thấy hơn 100 lò gạch xây dựng liên hoàn tạo nên nét riêng cho xã Gia An. Làng nghề gạch ngói Gia An  tồn tại hơn 30 năm nay. Qua khỏi khu lò gạch, ô tô tiếp tục đưa chúng tôi đi thêm một đoạn nữa. Trên con đường gập ghềnh, càng lúc càng thấy rõ hồ Biển Lạc hơn. Mùa này hồ Biển Lạc mực nước rút xuống trơ ra các bãi hoang. Bến đò cũng di chuyển theo mực nước vào sâu bên trong. Những người đi trong đoàn lội bộ một đoạn khá dài mới vào đến bến đò. Chúng tôi ra hồ Biển Lạc bằng 2 chiếc đò thuê của ngư dân. Cùng đi có ông Võ Dũng (Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tánh Linh) và một số thanh niên ở xã Gia An. 

Hồ Biển Lạc lặng gió. Mặt hồ  yên tĩnh, thanh bình. Mây nước hòa quyện. Tâm hồn của người lữ khách không khỏi bâng khuâng. Chiếc ghe máy lướt trên mặt hồ càng lúc càng nhanh hơn. Bờ xanh ở phía sau chúng tôi xa tít. Thấp thoáng, xa xa là hình ảnh làng gạch Gia An mà chúng tôi đi qua. Nhìn về phía trước, mặt hồ mênh mang làm chúng tôi nghĩ ngợi nhiều về cái tên Biển Lạc. Nghĩ cũng lạ thật, hồ thì gọi là hồ, vì lẽ nào dân gian gọi là biển. Phải chăng người xưa cũng có lý khi gọi bằng cái tên đó. “Sở dĩ người xưa gọi cái hồ này là Biển Lạc vì hồ quá rộng. Vào giữa lòng hồ người ta có cảm giác như đang ở trên mặt biển mênh mông. Tưởng tượng đây là một khu biển bị lạc giữa rừng, nên người dân gọi là Biển Lạc luôn!” - ông Võ Dũng, Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tánh Linh giải thích nôm na. 

Hồ Biển Lạc rộng hơn 1.000ha. Đến mùa nước nổi, diện tích mặt nước rộng ra gấp 3 lần bình thường. Diện tích mặt nước rộng, Biển Lạc trở thành địa điểm thuận lợi cho người dân địa phương đánh bắt cá. Trên lòng hồ lúc nào cũng có người giăng lưới, giăng câu. Hồ Biển Lạc cũng giống như các hồ nước lớn khác. Trên hồ có nhiều lồng bè nuôi cá. Đó là cách thức để người dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Một khi nguồn cá cạn kiệt, người ta nghĩ ra cách nuôi cá dưới lồng bè. Những mái nhà xanh nổi lên mặt nước trông thật lạ lẫm. 

Dừng chân nghỉ trưa ở  một lồng bè lớn nhất khu Biển Lạc này. Vợ chồng anh Lê Quang Thép có mặt ở nhà. Và thật vui, khi gia đình anh Thép nhã ý mời chúng tôi ở lại. Với những gì sẵn có, chúng tôi thiết kế một bữa ăn thật dân dã, gần gũi với không gian sông nước. Anh Thép cùng các ngư dân, đãi chúng tôi món cá nướng bắt lên từ lòng hồ. Nếu không có chuyến đi, có lẽ sẽ không cảm nhận hết cuộc sống của người dân sống trên hồ Biển Lạc. Xen lẫn trong nỗi vất vả, khó nhọc là sự lý thú. Thật thú vị khi ngồi dùng bữa với họ. Trong bữa ăn trưa, được các ngư dân trên lồng bè kể về hồ Biển Lạc. Trước khi tiếp tục hành trình, một câu chuyện được mọi người quan tâm là khu rừng bao quanh hồ. Ký ức ngày xưa bắt đầu quay về. Anh Nguyễn Trọng Dưỡng, ngư dân đánh cá lâu năm ở đây cho biết: “Ngày xưa Biển Lạc đẹp lắm. Rừng già bao phủ xung quanh. Đến mùa nước lên, xuồng có thể xuôi mái chèo vào giữa rừng. Phong lan treo lơ lửng trên cây nhiều vô kể. Đó là chưa nói đến chim thú. Sau nhiều năm bị khai hoang, bây giờ Biển Lạc trở nên khác hẳn”.

Giã  từ lồng bè nhà anh Thép, chúng tôi đổ bộ lên bãi đất hoang phía trước mà theo lời anh Dưỡng đó là khu rừng già trù phú một thời, theo chân người dân địa phương, chúng tôi tìm đến chòm rừng duy nhất còn sót lại trong khu hồ Biển Lạc. Đó là đất rừng của một hộ dân ở xã Gia An. Những người đi cùng đoàn cho biết, thay vì chuyển đổi thành đất nông nghiệp, chủ đất vẫn giữ lại 2ha rừng này. Nhưng không ai lý giải được lý do vì sao. Dù gì chăng nữa, chòm rừng còn sót lại cho chúng tôi hình dung sự trù phú của Biển Lạc ngày xưa. Ai trong chúng tôi cũng cảm thấy tiếc nuối khi nhắc lại vẻ đẹp kỳ vĩ của Biển Lạc một thời. 

Đò quay trở lại bến cũ, tâm trạng chúng tôi buồn vui lẫn lộn. Mỗi thời khắc trôi qua, Biển Lạc thay đổi một màu áo mới. Ánh hoàng hôn buông xuống tô điểm thêm vẻ hoang sơ cho hồ Biển Lạc. Trước cảnh đẹp hoàng hôn, chúng tôi nghĩ ngợi mãi, nếu như con người biết quý trọng và gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh, có lẽ Biển Lạc bây giờ sẽ hấp dẫn hơn những gì hiện có. Biển Lạc một thời huy hoàng đã lùi vào dĩ vãng. Thắng cảnh nổi tiếng này đang mong chờ những dự án du lịch hiệu quả cũng như ý thức bảo vệ của con người. 

Nguồn: Tánh Linh Ngày nay